Tài chính số

Tâm lý trái chiều trên thị trường tiền điện tử

Diễm Ngọc 13/01/2025 04:40

Trong khi các nhà giao dịch lo lắng về một đợt sụt giảm mạnh trên thị trường tiền điện tử, thì các nhà đầu tư dài hạn lại đầy lạc quan cho rằng đợt tăng giá vẫn chưa kết thúc.

Thị trường ảm đạm

Khi Bitcoin (BTC) dao động quanh mức 90.000 - 95.000 USD/BTC, giảm hơn 10% so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được cách đây chưa đầy một tháng, thì sự tương phản đang gia tăng giữa các nhà giao dịch trên thị trường. Những người có công cụ phân tích kỹ thuật cho rằng đồng tiền điện tử hàng đầu này có thể sẽ giảm mạnh lần nữa, trong khi các nhà đầu tư dài hạn vẫn tin tưởng đợt tăng giá chưa kết thúc.

Bitcoin đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 22/12 có lúc chạm mốc 95.890 USD/BTC
Bitcoin đang giao dịch ở mức thấp quanh ngưỡng 94.900 USD/BTC khiến nhiều nhà giao dịch bi quan

Tính đến tối ngày 12/1, Bitcoin giao dịch quanh mức 94.900 USD/BTC theo sàn giao dịch tiền điện tử Binance, các đồng altcoin cũng chìm trong sắc đỏ.

David Siemer, CEO của Wave Digital Assets, một công ty cung cấp dịch vụ quản lý tài sản cho các quỹ và cá nhân có giá trị tài sản ròng cao trong lĩnh vực tiền điện tử nhìn nhận: “Trong 14 năm tham gia thị trường, tôi chưa bao giờ thấy sự phân đôi như thế này. Các nhà giao dịch đều lo lắng, căng thẳng và phòng ngừa, thậm chí bi quan. Còn những người đầu tư dài hạn đều cực kỳ lạc quan. Bitcoin có thể tăng giá mạnh như nhiều sự đoán nhưng sẽ không sớm xảy ra, cũng không phải trong năm tới và sẽ có nhiều điều xảy ra trong ít nhất 6 tháng tới”.

Theo Siemer, có nhiều yếu tố thúc đẩy sự quan tâm đối với ngành công nghiệp tiền điện tử. Một ví dụ là thành công to lớn của các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Bitcoin giao ngay của Hoa Kỳ đang buộc các tổ chức tài chính trên toàn thế giới phải nghĩ cách để cạnh tranh, tạo ra các sản phẩm mới lạ. Các cơ quan quản lý có xu hướng ủng hộ nhiều hơn, như Liên minh châu Âu có thể sẽ đưa ra một phiên bản thân thiện hơn của Quy định về thị trường tài sản tiền điện tử (MiCA).

“Đặc biệt, khả năng nhìn thấy các kho dự trữ Bitcoin chiến lược mới cũng rất cao. Ngay cả khi Hoa Kỳ không lập kho dự trữ, ít nhất một số quốc gia khác có thể sẽ làm”, ông cho biết.

Kho dự trữ chiến lược dần hình thành

Gần đây, Bhutan - một quốc gia nhỏ ở Nam Á đang tạo nên làn sóng lớn trong thế giới tiền điện tử. Vương quốc này với dân số khoảng 770.000 người vừa trở thành tiêu điểm sau khi một trong những thành phố của họ áp dụng chiến lược dự trữ tiền điện tử, bao gồm Bitcoin (BTC), Ethereum (ETH) và token BNB của Binance (BNB).

Ảnh màn hình 2025-01-12 lúc 22.08.30
Bhutan, một quốc gia nhỏ ở Nam Á sở hữu hơn 1,1 tỷ USD Bitcoin

Phillip Shoemaker, Giám đốc điều hành của Identity.com - một tổ chức phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ xác minh danh tính phi tập trung cho biết, Buhtan đang muốn chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể làm được trong không gian tài sản kỹ thuật số, bằng cách đưa các công ty nước ngoài vào để giúp tận dụng lợi thế từ sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu đối với tiền điện tử nói chung.

“Tôi thấy động thái này có khả năng tạo ra những hành động tương tự ở các chính phủ khác trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia nhỏ hơn, nơi chịu ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá và bất ổn địa chính trị”, ông nói.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào tháng 5/2024, mặc dù Bhutan có nền kinh tế khá mạnh, nhưng rủi ro suy thoái vẫn tồn tại vì thâm hụt tài chính của quốc gia này dự kiến ​​sẽ gia tăng. Để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, đất nước cần thu hút thêm đầu tư nước ngoài.

Bhutan đã lắng nghe và hành động bằng cách xây dựng “Thành phố chánh niệm Gelephu”, khu vực áp dụng tiền điện tử như một phần trong mục tiêu “chánh niệm, bền vững và đổi mới”.

CEO Identity.com đánh giá Bhutan đã ở vị trí thuận lợi cho động thái này khi ước tính có 24.000 megawatt tiềm năng thủy điện khả thi về mặt kỹ thuật. Điện được lấy từ rất nhiều nguồn thủy điện, nên việc họ khai thác nguồn điện này là điều hợp lý.

Khai thác Bitcoin đòi hỏi năng lượng rất lớn, điều này đã làm dấy lên mối lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường của hoạt động khai thác tiền điện tử. Tuy nhiên, việc sử dụng thủy điện giải quyết được vấn đề này vì nó tiết kiệm chi phí hơn nhiều và giảm lượng khí thải carbon của thợ đào.

Dữ liệu của BitcoinTreasuries cho thấy, vào tháng 4/2019, Buhtan đã bắt đầu sử dụng lượng thủy điện khổng lồ của mình để bắt đầu khai thác Bitcoin. Hiện quốc gia này đang sở hữu hơn 11.000 Bitcoin trị giá khoảng 1,1 tỷ USD, đưa Bhutan vào danh sách 5 quốc gia hàng đầu thế giới nắm giữ Bitcoin trong kho dự trữ của mình.

Vì vậy, nhiều chính phủ ngày càng coi Bhutan như một ví dụ về cách khởi động dự trữ Bitcoin của riêng họ, đặc biệt là các quốc gia có nguồn năng lượng dồi dào mà nếu không sử dụng có thể bị lãng phí.

Diễm Ngọc