Đề xuất tăng mức phạt trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy
Bộ Công an đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…
Theo đó, nhằm bảo đảm việc xử phạt nghiêm minh, có tính khả thi, phù hợp với thực tế, góp phần bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công an dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong vòng 60 ngày).
Đề xuất xử phạt đến 100 triệu đồng
Cụ thể, dự thảo Nghị định gồm 04 chương, 41 điều, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, bao gồm: Hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Đối với trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định khác nhau giữa Nghị định này với các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực khác thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ đối với cá nhân là 50 triệu đồng, đối với tổ chức là 100 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể đăng ký kinh doanh theo quy định vi phạm các quy định của Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân.
Ngoài ra, dự thảo Nghị định của Bộ Công an quy định người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với những hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này bao gồm: Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 30, 31, 32, 33, 34 và Điều 35 Nghị định này.
Theo đó, người có thẩm quyền xử phạt bao gồm: Chủ tịch UBND các cấp; Công an nhân dân; Bộ đội biên phòng; Kiểm lâm; Kiểm ngư; Thanh tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm.
Công chức, viên chức thuộc UBND các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ quy định tại Nghị định này. Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước chuyên ngành được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác liên quan đến lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ mà không quy định tại Nghị định này thì áp dụng quy định tại các Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực đó để xử phạt.
Vi phạm PCCC về điện sẽ bị phạt nặng
Đáng chú ý, tại dự thảo, cơ quan này đề xuất nâng mức phạt tiền lên nhiều lần đối với một số vi phạm về PCCC trong lắp đặt, quản lý, sử dụng điện.
Theo đó, phạt tiền 6 - 8 triệu đồng (hiện hành 2 - 5 triệu đồng) với hành vi lắp đặt, sử dụng dây dẫn điện, thiết bị điện, thiết bị đóng ngắt, bảo vệ không bảo đảm an toàn phòng cháy. Phạt tiền 10 - 15 triệu đồng (hiện hành 5 - 10 triệu đồng) với hành vi sử dụng thiết bị điện không bảo đảm yêu cầu phòng nổ trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không bảo đảm hệ thống điện phục vụ PCCC. Phạt tiền 25 - 30 triệu đồng (hiện hành 15 - 25 triệu đồng) với hành vi không có hệ thống điện phục vụ PCCC.
Đặc biệt, dự thảo quy định một nội dung hoàn toàn mới, đó là phạt tiền 40 - 50 triệu đồng với hành vi không có giải pháp ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà.
Luật PCCC và CNCH được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới đây. Luật này quy định rõ: nơi sạc điện cho xe động cơ điện trong nhà phải có giải pháp bảo đảm an toàn về phòng cháy; khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà còn phải có giải pháp ngăn cháy và trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp, bảo đảm tiêu chuẩn.
Theo Bộ Công an, để phù hợp, thống nhất với luật mới, nhiều hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC và CNCH cần được điều chỉnh; đồng thời nâng mức tiền xử phạt để tương đồng với các lĩnh vực khác, tăng tính răn đe, phòng ngừa xã hội.
Thống kê từ Bộ Công an vào năm 2023 cho thấy, trong vòng 10 năm qua, toàn quốc xảy ra 29.296 vụ cháy, làm chết 860 người. Chỉ tính riêng nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 13.465 vụ, chiếm tới 45,5%.
Bình luận về đề xuất nâng mức phạt tiền như dự thảo, luật sư Nguyễn Thị Thúy, Đoàn luật sư TP Hà Nội, nhận định việc này sẽ góp phần nâng cao ý thức chấp hành quy định về PCCC nói chung, liên quan đến điện nói riêng.
Thời gian qua, địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xuất phát từ chập điện. Điển hình như vụ cháy chung cư mini khiến 56 người chết ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân; hoặc mới đây là vụ cháy khiến 14 người chết ở phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, nguyên nhân do chập mạch điện tại khu vực đầu xe máy điện…
Luật sư Thúy cho rằng, quy định chi tiết cùng mức phạt tiền nghiêm khắc sẽ tác động trực tiếp đến thái độ, nhận thức của chủ nhà, chủ cơ sở kinh doanh… Khi nhận thức đã tốt, nguy cơ có thể được ngăn chặn từ sớm, từ xa.
Với nội dung "ngăn cháy đối với khu vực sạc điện cho xe động cơ điện tập trung trong nhà", luật sư cho rằng hết sức cần thiết. Số lượng người sử dụng xe điện ngày càng nhiều, nhất là ở các khu chung cư, nhà trọ…, tiềm ẩn những rủi ro nhất định về cháy, nổ. Việc quy định riêng cùng mức phạt cao nhất đối với vi phạm về hoạt động này sẽ giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao đề phòng trước những rủi ro có thể xảy ra.