Ô tô - Xe máy

Giải pháp nào cho vấn nạn “xe điên” gây tai nạn liên hoàn?

Thanh Trà 15/01/2025 12:22

Hai vụ “xe điên” đâm liên hoàn tại Hà Nội và TP HCM phản ánh những vấn đề về ý thức tham gia giao thông và việc bảo trì phương tiện cần được cải thiện.

“Xe điên” liên tục gây tai nạn

Tại Hà Nội, vào lúc 15h40 ngày 14/1, tại nút giao phố Đào Tấn - đường Bưởi (phường Cống Vị, quận Ba Đình), một vụ tai nạn liên hoàn đã xảy ra giữa một ô tô và 5 xe máy. Chiếc ô tô mang biển số 30F-131.xx, do ông P.V.H. (sinh năm 1968, ở Đông Anh) điều khiển, đã va chạm với 5 xe máy di chuyển cùng chiều.

Screenshot 2025-01-15 005712 (1)
Vụ tai nạn đã gây ra ùn tắc kéo dài trên đường Đào Tấn vào chiều ngày 14/1. (Ảnh: Thùy An)

Hiện trường vụ tai nạn cho thấy các xe máy nằm la liệt trên đường, với biển số gồm: 29E1-392.xx; 29BA-078.xx; 29B2-158.xx; 29G2-107.xx và một xe không có biển số. Vụ việc khiến 2 người bị thương phải đưa đi cấp cứu, cùng nhiều phương tiện hư hỏng nặng. Theo lực lượng chức năng, tài xế ô tô không có dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn hoặc sử dụng ma túy.

Cũng trong ngày 13/1, một vụ tai nạn khác xảy ra trên đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình, TP.HCM), khi ô tô biển số 51G-757.xx lao vào nhiều phương tiện khác. Chiếc xe chỉ dừng lại sau khi đâm lên vỉa hè và va chạm với ba ô tô trong khu vực sân một tòa nhà cao tầng. Tổng cộng, 7 xe máy và 6 ô tô bị hư hỏng, cùng nhiều người bị thương.

Một nhân chứng kể lại: "Tôi đang đi thì nghe tiếng la lớn phía sau. Chưa kịp phản ứng thì ô tô đã lao đến, khiến tôi ngã xuống đường. May mắn tôi chỉ bị trầy xước, nhưng nhiều người khác cũng gặp nạn".

Cần chung tay hành động

Nhìn từ hai vụ tai nạn liên hoàn này, có thể thấy một số vấn đề nổi cộm trong ý thức tham gia giao thông. Đặc biệt, thói quen không giữ khoảng cách an toàn, không giảm tốc độ tại các nút giao đông đúc và thiếu chú ý khi di chuyển là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn. Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu, nhận định: "Một trong những nguyên nhân gây mất trật tự, an toàn giao thông hàng đầu trong nhiều năm qua là ý thức tham gia giao thông của bộ phận không nhỏ người dân còn kém. Đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, nơi mật độ phương tiện cao, ùn tắc thường xuyên, hiện tượng coi thường luật, lưu thông tùy tiện lại càng diễn ra phổ biến".

Bên cạnh đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ đầu năm, đã quy định rõ ràng hơn về xử phạt các hành vi vi phạm giao thông. Cụ thể, việc không giữ khoảng cách an toàn, phóng nhanh, vượt ẩu hay sử dụng điện thoại khi lái xe đều có mức phạt tăng cao, nhằm răn đe và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc thực thi nghiêm túc các quy định này vẫn đang là một thách thức lớn.

Screenshot 2025-01-15 005756 (1)
Chiếc "xe điên" tại TP HCM chỉ dừng lại sau khi đâm phải 3 xe ô tô khác đang đỗ trong sân một tòa nhà. (Ảnh: Trần Kha)

Một yếu tố quan trọng khác cần được chú trọng là việc bảo trì và kiểm tra định kỳ phương tiện. Nhiều tài xế hiện nay vẫn còn có thói quen chủ quan về tình trạng kỹ thuật của xe, điều này có thể dẫn đến những sự cố nguy hiểm khi tham gia giao thông. Để khắc phục vấn đề này, cần tăng cường tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo dưỡng xe định kỳ và áp dụng quy định kiểm tra định kỳ bắt buộc. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các sự cố không đáng có và đảm bảo an toàn cho cả người lái và những người tham gia giao thông khác.

Những vụ tai nạn như trên không chỉ gây thiệt hại về người và tài sản mà còn là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn tắc đường, đặc biệt là tại các khung giờ cao điểm. Để hạn chế những vụ việc tương tự, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định. Về phía người dân, mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức tự giác, tuân thủ luật giao thông và cẩn trọng hơn khi tham gia giao thông.

Chỉ khi mỗi cá nhân và toàn xã hội cùng chung tay hành động, chúng ta mới có thể xây dựng một môi trường giao thông an toàn và văn minh hơn.

Thanh Trà