Quản trị

“Việc làm ma” ám ảnh người tìm việc

Nguyễn Chuẩn 16/01/2025 00:30

Trong thời đại công nghệ số, việc tìm kiếm một công việc mới đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ vào các nền tảng tuyển dụng trực tuyến.

Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đã mở ra vấn nạn “việc làm ma” – những vị trí được đăng tuyển nhưng không hề có thật.

jobs(1).jpg
Nghiên cứu cho biết cứ 5 tin tuyển dụng thì có 1 tin là tin giả.

Theo báo cáo mới đây của nền tảng tuyển dụng Greenhouse, trong quý trước tại Mỹ, trung bình có đến 18-22% việc làm được đăng trực tuyến được phân loại là “việc làm ma”. Trong một số ngành, tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn, đạt đến 1/3 tổng số tin tuyển dụng.

Nền tảng Greenhouse đã cung cấp một bức tranh toàn cảnh về vấn nạn này. Theo báo cáo, ngành xây dựng dẫn đầu với 38% việc làm được phân loại là “ma”, theo sau là ngành nghệ thuật với 34% và ngành luật với 29%. Đáng chú ý, trong quý 2 năm 2024, gần 31% việc làm trong ngành dịch vụ doanh nghiệp không bao giờ được tuyển dụng.

Trong khi đó, một báo cáo từ Resume Builder năm 2024 còn cho biết 39% nhà quản lý tuyển dụng tại Mỹ thừa nhận công ty họ đã đăng tin tuyển dụng giả trong năm qua. Trong đó, có nhà tuyển dụng thừa nhận đã đăng đến 75 danh sách việc làm giả.

Theo các nền tảng tuyển dụng, một trong những nguyên nhân đưa đẩy các công ty đăng những tin tuyển dụng không có thật là do các kế hoạch dự đoán tăng trưởng. Nhiều công ty đăng tin tuyển dụng như một phương án dự phòng, trong trường hợp nhu cầu nhân sự tăng đột ngột.

Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng cũng mong muốn tìm kiếm ứng viên tiềm năng cho tương lai, ngay cả khi không có nhu cầu tuyển ngay lập tức. Ngoài ra, đó cũng là một trong những cách mà các doanh nghiệp dùng để tác động đến nhân viên hiện tại khi một số nhà tuyển dụng thừa nhận đăng tin giả để khiến nhân viên hiện tại cảm thấy họ có thể bị thay thế, khuyến khích họ làm việc chăm chỉ hơn.

Tuy nhiên, vấn nạn “việc làm ma” này cũng đang có những tác động lớn đến người tìm việc và thị trường lao động, không chỉ tại Mỹ mà còn tại nhiều thị trường lao động trên thế giới. Việc Người tìm việc đầu tư công sức để chuẩn bị hồ sơ, tham gia phỏng vấn, nhưng cuối cùng không nhận được phản hồi đã gây ra những lãng phí rất lớn về thời gian và nỗ lực của người lao động trong bối cảnh thị trường cạnh tranh.

Thêm vào đó, hiện tượng này cũng làm sụt giảm lòng tin vào các nền tảng tuyển dụng trực tuyến. Gây ra những tác động xấu đến thị trường lao động. Trên thực tế, những thông tin sai lệch cũng gây ra sự khó khăn trong việc đánh giá cung - cầu lao động.

Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức về tỷ lệ “việc làm ma”, nhưng hiện tượng này cũng có thể đang trở thành mối lo ngại. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam, nhà cung cấp giải pháp nhân sự hàng đầu Việt Nam, nhiều người lao động gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tuyển dụng chính thống.

foxconn(1).jpg
Tại Việt Nam, lừa đảo trong tuyển dụng cũng đang trở thành vấn nạn.

Sự phát triển của các nền tảng số đã tạo điều kiện cho cả những công việc lừa đảo, kém uy tín tiếp cận người lao động. Bà Hương nhận định: “Một bộ phận không nhỏ người lao động cả tin, ham lợi trước mắt mà không tính đến lâu dài, sẵn sàng ứng tuyển vào những “việc làm ma”, hứa hẹn thu nhập cực hấp dẫn, sau cùng lại bị lừa mất trắng và mất niềm tin khi đi tìm việc”.

Ngoài ra, theo báo cáo “Tìm kiếm ý nghĩa trong công việc” do ManpowerGroup Việt Nam thực hiện, 99% người lao động Việt Nam cho rằng việc tìm thấy ý nghĩa trong công việc là quan trọng, nhưng chỉ 11% cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại. Điều này có thể là một trong những nguyên nhân khiến người lao động dễ bị lừa bởi các tin tuyển dụng giả mạo.

Nhìn chung, hiện tượng “việc làm ma” là một lời nhắc nhở về tính minh bạch trong tuyển dụng. Đối với các nhà tuyển dụng, cần có sự chỉnh trực và trách nhiệm trong việc đăng tin. Đối với người tìm việc, việc trang bị kiến thức và kỹ năng nhận biết các tin giả là rất quan trọng. Tương lai của thị trường lao động phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các bên liên quan. Chỉ khi có sự minh bạch và trách nhiệm, chúng ta mới có thể xây dựng một thị trường lao động công bằng và bền vững.

Nguyễn Chuẩn