Tìm lối vào thị trường Mỹ
Hàng rào thuế quan tiềm tàng từ thị trường Mỹ năm 2025 đang đặt ra bài toán khó cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Điều này buộc các doanh nghiệp tìm lối vào thị trường này.
Tuy nhiên, thách thức này cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tái cấu trúc, nâng cao giá trị sản phẩm và tìm kiếm thị trường thay thế, theo ông Vinh Nguyễn, Chủ tịch VBI Global - Tổ chức Người Việt toàn cầu về kinh doanh và đầu tư - trong cuộc trao đổi với Doanh Nhân.
- Theo ông, hàng rào thuế quan mới, nếu có, sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường Mỹ?
Về lý thuyết, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu, giá sản phẩm từ Việt Nam cũng sẽ bị đẩy lên cao, làm giảm sức cạnh tranh về giá so với hàng hóa nội địa hoặc từ các quốc gia không chịu mức thuế tương tự. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể phải gánh thêm chi phí để duy trì thị phần tại Mỹ. Điều này buộc các doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, như mở rộng sang các thị trường mới hoặc nâng cao chất lượng sản phẩm để bù đắp việc tăng giá.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tập trung cải tiến công nghệ, gia tăng giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Trong bối cảnh địa chính trị hiện nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Dù giá thành sản phẩm tăng, việc thay thế chúng trong ngắn hạn không hề dễ dàng. Do đó, nếu các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng và đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, sản phẩm Việt Nam vẫn giữ được vị thế trên thị trường Mỹ.
Đặc biệt, so với Trung Quốc, Việt Nam có lợi thế thuế quan rõ rệt, với mức thuế nhập khẩu từ 10-20%, trong khi hàng hóa Trung Quốc chịu thuế lên đến 60%. Đây cũng là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp Việt cân nhắc đầu tư sản xuất hoặc chuyển một phần dây chuyền sang Mỹ nhằm tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh.
- Theo ông, lĩnh vực xuất khẩu nào của Việt Nam có thể bị đe dọa nhất, và những lĩnh vực nào chịu ít ảnh hưởng tiêu cực nhất?
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ nội thất, tôm, và cá basa đông lạnh có thể đối mặt với nhiều thách thức do khả năng Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá. Ngoài ra, các sản phẩm dễ thay thế bởi hàng nội địa, chẳng hạn như nhựa,… cũng sẽ chịu tác động đáng kể.
Ngược lại, một số ngành như may mặc, nông sản, hải sản (trừ tôm và cá basa), đồ trưng bày nội thất, và sản phẩm thủ công mỹ nghệ có cơ hội phát triển. Điều này đến từ các chính sách nhập cư mới của Mỹ, đặc biệt là việc trục xuất lao động bất hợp pháp – lực lượng chính trong nhiều ngành sản xuất. Để lấp khoảng trống lao động, Mỹ có thể mở cửa đón nhận lao động Việt Nam có tay nghề cao, như điều dưỡng viên tại bệnh viện và viện dưỡng lão.
Điều này không chỉ mang lại cơ hội cho lao động Việt Nam mà còn thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Ngoài ra, để giảm thâm hụt thương mại với Mỹ, Việt Nam nên tăng cường nhập khẩu sản phẩm như máy móc, thiết bị y tế, dược phẩm, và công nghệ cao.
- Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chiến lược nào để giảm thiểu tác động từ thị trường Mỹ ngày càng khó khăn?
Thứ nhất, để tránh rủi ro về thuế quan, doanh nghiệp cần tuyệt đối tránh sử dụng hàng Trung Quốc gắn nhãn Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ. Việc vi phạm không chỉ khiến doanh nghiệp bị tẩy chay, mà còn có nguy cơ gây thiệt hại lớn cho toàn ngành nếu Mỹ áp mức thuế cao như hàng Trung Quốc.
Thứ hai, các doanh nghiệp Việt cần nghiên cứu cắt giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất nhằm có giá thành cạnh tranh hơn. Khi chi phí sản xuất tại Việt Nam thấp hơn đáng kể, các doanh nghiệp Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh, ngay cả khi họ muốn đưa sản xuất trở về trong nước.
Thứ ba, cần sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Mỹ. Điều này đòi hỏi phải có sự hiện diện hoặc đội ngũ đại diện ở Mỹ để nắm bắt thị trường và cập nhật xu hướng tiêu dùng. Vai trò của các trung tâm xúc tiến thương mại Việt Nam tại Mỹ là rất cần thiết, dù dưới sự quản lý của chính phủ (Thương vụ, Lãnh sự quán) hay thuộc về tư nhân và các công ty tư vấn hoặc những tổ chức như VBI Global.
Cuối cùng, thương mại cần được cân bằng hai chiều. Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ để tránh tạo ra thặng dư thương mại quá lớn, điều không có lợi trong dài hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên cân nhắc đầu tư hoặc mua lại các công ty tại Mỹ. Lợi ích từ việc này bao gồm: có sẵn khách hàng, sở hữu đội ngũ nhân viên hiểu rõ thị trường, và tránh được thuế quan. Với việc chính quyền Trump hứa giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 21% xuống 15%, việc đầu tư vào Mỹ có thể mang lại lợi ích lâu dài cho doanh nghiệp Việt.
- Trân trọng cảm ơn ông!