Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu đánh thuế đầu cơ bất động sản
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản.
Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 03 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chấn chỉnh, xử lý việc thao túng giá, đầu cơ bất động sản và thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng bất động sản.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các nghị quyết, chỉ thị, quyết định, công điện,... liên quan đến tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.
Trong đó, đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản; tăng cường kiểm soát, kiểm duyệt các kênh thông tin xã hội không chính xác, không chính thống gây tác động tiêu cực đến tâm lý người dân, nhà đầu tư và thị trường.
Ngoài ra, một số chủ đầu tư dự án bất động sản lợi dụng tình hình nguồn cung bất động sản hạn chế để đưa ra giá chào bán cao hơn mức trung bình của các dự án để thu lợi. Kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất cao bất thường tại một số khu vực làm tăng mặt bằng giá đất, giá nhà ở.
Để tăng cường kiểm soát và xử lý kịp thời việc thao túng, đẩy giá và đầu cơ bất động sản, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Tài chính nghiên cứu, đề xuất chính sách thuế nhằm hạn chế hoạt động đầu cơ bất động sản, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế. Trong đó, nghiên cứu phương án thu thuế phần chênh lệch giá giữa giá tính tiền sử dụng đất và giá bán sản phẩm bất động sản của các dự án, báo cáo Chính phủ trước ngày 30/4.
Thủ tướng cũng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng nhà nước rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo các tổ chức tín dụng định giá các tài sản đảm bảo là bất động sản khách quan, hợp lý, tuân thủ quy định quản lý rủi ro tín dụng. Đặc biệt không được tiếp tay cho hành vi thao túng giá, tạo mặt bằng giá mới "ảo", làm mất ổn định và "méo mó" thị trường. Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm công tác đấu giá đất; đưa thông tin sai lệch với mục đích tạo sốt ảo và lừa đảo người dân để trục lợi.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu Đề án thí điểm mô hình Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý, báo cáo Thủ tướng trong quý 2 năm nay.
Kiến nghị về chính sách thuế áp dụng với người sở hữu nhiều nhà đất, bỏ hoang bất động sản cũng được đoàn giám sát của Quốc hội đưa ra cuối tháng 11/2024, trong bối cảnh giá bất động sản, nhà ở liên tục tăng mạnh tại nhiều địa phương. Tình trạng nóng sốt tại các phiên đấu giá đất ở huyện ven có giá trúng cao hơn nhiều lần mức khởi điểm, ảnh hưởng phát triển lành mạnh của thị trường. Nhiều địa phương hiện nay ghi nhận tình trạng lệch pha trên thị trường bất động sản trầm trọng, dư thừa các sản phẩm như shophouse, biệt thự, thiếu nhà ở bình dân, nhất là tại Hà Nội và TP HCM.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng đã có đề xuất về việc đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Đề xuất trên được Bộ Tài chính hoàn toàn đồng tình và Bộ này cũng đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định chính sách thuế với các trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng.
Theo các chuyên gia, thuế là một công cụ để điều tiết thị trường, nhưng chính sách thuế cần có lộ trình cụ thể, tránh giật cục, đột ngột chuyển thái trạng gây sốc cho nền kinh tế…
Như GS TS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng thuế làm công cụ ngăn chặn đầu cơ.
Ông Võ cho biết, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiềm chế đà tăng giá bất động sản. Theo đó, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3. Đối với người nước ngoài mua tài sản cá nhân, dù là bất cứ ngôi nhà nào, thuế suất phải nộp sẽ tăng gấp đôi lên 60% từ mức 30% trước đó.
Trường hợp người mua bất động sản rồi bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ hai đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4%. Phải đến năm 4, người bán mới không phải đóng thuế.
Theo ông Võ, lâu nay nhiều người muốn học cách đánh thuế của Singapore là người mua nhà ở thứ hai thì bị đánh thuế cao hơn. Nhưng đặc thù của Việt Nam khác với Singapore, trong trường hợp ngôi nhà thứ nhất giá trị rất lớn, nhưng nhà thứ 2 giá trị rất bé. Vậy thì có thể sẽ chỉ đánh thuế căn nhà thứ 2 nhưng lại bỏ qua căn nhà thứ nhất.
“Với Việt Nam, thu nhập người dân đang còn thấp, nếu thu mức này thì người dân không chịu nổi. Phải nghiên cứu sắc thuế phù hợp với Việt Nam có thể thu thuế dựa trên giá trị nhà, đất hoặc diện tích sở hữu, đảm bảo mục tiêu vừa chống đầu cơ bất động sản vừa đảm bảo an sinh xã hội”, ông Võ chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thu Hằng - Giám đốc cấp cao, bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cũng nhìn nhận, việc áp dụng đánh thuế bất động sản thứ hai đòi hỏi phải có sự chuẩn bị toàn diện, không chỉ ở một khu vực cụ thể mà trên toàn quốc. Điều này có nghĩa là cần sự đồng bộ trong hệ thống quản lý bất động sản và các biện pháp kỹ thuật khác như giao dịch qua ngân hàng và kê khai tài sản.