Chính trị - Xã hội

Nghị quyết 02/NQ-CP: Động lực thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 16/01/2025 15:57

Với hàng loạt cách chỉ đạo chi tiết, cùng mục tiêu cụ thể, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2025 được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy môi trường kinh doanh ngày một thuận lợi…

Theo đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025.

Cụ thể, Nghị quyết đặt mục tiêu tổng quát là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh theo hướng giảm chi phí tuân thủ, bảo đảm an toàn và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt; thực hiện phân cấp, phân quyền; thúc đẩy tinh thần kinh doanh; khuyến khích đổi mới, sáng tạo. Đồng thời củng cố niềm tin, tạo điểm tựa cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển; qua đó nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

nghi-quyet-02-16.1.1.jpg
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 - Ảnh minh họa

Bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp theo quy định của Hiến pháp 2013; kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công tư...

Song song với đó, Nghị quyết hướng tới nâng cao chất lượng xây dựng chính sách, pháp luật; trong đó tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", xóa bỏ cơ chế "xin - cho".

Các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập, thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra, công bố các chỉ số về cảm nhận của doanh nghiệp đối với các vấn đề, lĩnh vực môi trường kinh doanh; lồng ghép với kết quả đánh giá thực hiện, các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết.
Nghị quyết nêu rõ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Số doanh nghiệp gia nhập thị trường (thành lập mới và quay trở lại hoạt động) năm 2025 tăng ít nhất 10% so với năm 2024; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2025 tăng dưới 10% so với năm 2024 (năm 2024, số doanh nghiệp rút lui là 197.900, tăng 14,7% so với năm 2023).

Để đạt các mục tiêu đã nêu, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Các bộ, cơ quan Trung ương chủ động nghiên cứu, rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý; kiến nghị đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với những ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn. Trường hợp cần thiết đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện…

nghi-quyet-02-16.1.2.jpg
Những chỉ đạo chi tiết, cùng các mục tiêu cụ thể tại Nghị quyết đem đến nhiều kỳ vọng thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi - Ảnh minh họa

“Tháo gỡ các điểm nghẽn, xây dựng giải pháp đột phá về thể chế, cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút, chuyển giao, làm chủ công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến; đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia.

Song song đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước để nâng cao chất lượng quy định và hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính…”, Nghị quyết nêu rõ.

Nhìn nhận về Nghị quyết 02/NQ-CP, TS Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, trong quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025, các yêu cầu thực thi được liệt kê chia tiết. Đó là kịp thời tạo lập và hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tháo bỏ rào cản; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, chi phí thấp để khơi thông nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, nhất là đầu tư tư nhân và thúc đẩy hợp tác công - tư; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo…

Đáng chú ý, trong yêu cầu tập trung vào tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, bên cạnh các chỉ đạo thường thấy, như sửa đổi đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm các quy định, thủ tục hành chính đơn giản, giảm gánh nặng tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp… Nghị quyết nhấn mạnh, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đó là thực hiện nghiêm yêu cầu chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, xoá bỏ cơ chế xin - cho.

Cụ thể hơn, quy trình lấy ý kiến cần thực chất; tham vấn rộng rãi các đối tượng chịu tác động; tổ chức đối thoại công khai. Nâng cao chất lượng thực thi văn bản pháp luật; giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng thời hạn và không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với doanh nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực và tăng cường giám sát kiểm tra; thực hiện phân cấp hơn nữa cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”…

Cơ chế rõ ràng về bảo vệ cán bộ khi giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh trong trường hợp có sự không thống nhất, khác biệt về quy định giữa các văn bản pháp luật…. cũng sẽ là giải pháp trong năm nay.

“Tôi tin là cách làm mới sẽ tạo nên những kết quả tích cực thực sự”, TS Nguyễn Minh Thảo kỳ vọng.

Đồng quan điểm, không ít ý kiến cũng kỳ vọng, những mục tiêu, chỉ đạo chi tiết của Nghị quyết 02/NQ-CP khi được triển khai sẽ tạo động lực thúc đẩy sự cải cách mạnh mẽ trong thời gian tới.

Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2025 đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm bao gồm: Tháo gỡ bất cập về pháp lý và thực thi trong thực hiện dự án đầu tư; Nâng cao chất lượng danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; Đổi mới công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia;

Cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước để nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính. Công bố, công khai kịp thời các thủ tục hành chính, bao gồm các thủ tục hành chính nội bộ. Tăng trách nhiệm giải trình, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp;

Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh; Rà soát, giảm số lượng các hoạt động thanh tra doanh nghiệp.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn