Giới hạn lái xe không quá 48 giờ/tuần: Lo ngại gây khó cho doanh nghiệp vận tải đường dài
Mặc dù ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ, tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về cách tính thời gian làm việc của tài xế (không được lái xe quá 48 giờ/tuần).
Theo quy định mới tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, từ ngày 01/01/2025, tài xế không được lái xe quá 48 giờ/tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu không tuân thủ, cả lái xe và doanh nghiệp vận tải sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP.
Mặc dù ủng hộ quy định không được lái xe liên tục quá 4 giờ, tuy nhiên, không ít ý kiến lo ngại về quy định này, đặc biệt, không ít ý kiến cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải đường dài, làm tăng chi phí cho hàng hóa, giảm sức cạnh tranh.
Đánh giá về quy định thời gian lái xe của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Phan Thanh Uy - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, quy định không lái xe quá 48 giờ/tuần sẽ khiến cho doanh nghiệp vận tải đường dài gặp nhiều khó khăn.
Từ thực tế các doanh nghiệp, ông Uy cho hay, số tài xế xe tải và xe khách đang thiếu và càng khó hơn nếu cần tuyển các tài xế ô tô giường nằm, xe container. Khi doanh nghiệp vận tải phát sinh thêm chi phí, chắc chắn giá hàng hóa và sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Theo ông Uy, quy định không chạy liên tục quá 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày là hợp lý. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nên cho phép tài xế có thêm giờ lái xe trong tuần. Điều này phù hợp với quy định, bởi Luật Lao động cho phép người lao động được làm thêm giờ.
“Các tuyến đường cao tốc cần nhanh chóng được xây dựng, nâng cấp theo quy mô đảm bảo tiêu chuẩn có làn dừng khẩn cấp liên tục, có trạm dừng nghỉ đạt yêu cầu”, ông Uy chia sẻ.
Đồng quan điểm, không ít doanh nghiệp vận tải cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Bởi, cự ly của nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh, chẳng hạn như từ các bến xe khách trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến hầu hết các tỉnh thành phố trong cả nước, như: Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh… đều có cự ly trên 300 km, với tổng thời gian hành trình 01 lượt xe từ 8-10 tiếng.
Và thực tế, hiện đối với các tuyến này, doanh nghiệp thường bố trì từ 02-03 đầu xe và mỗi đầu xe đều bố trí 2 lái xe và 1 đến 2 nhân viên phục vụ tham gia. Thời gian làm việc của mỗi lái xe giao động từ 7-10 giờ/ngày, trung bình mỗi người lái xe làm việc từ 49-70 giờ/ tuần.
Theo ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Điện Biên, quy định không lái xe 48 giờ/tuần rất bất cập, hiện nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đang phải cân nhắc giữa 2 phương án, nếu tiếp tục vận hành theo đúng phương án kinh doanh hiện nay thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ vi phạm, còn không doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động…
Không chỉ các doanh nghiệp của tỉnh Điện Biên, tại Hà Nội thời gian qua, không ít các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội cũng chưa đồng thuận với quy định mới này bởi sự tác động của nó tới lái xe và doanh nghiệp là rất lớn.
Liên quan đến quy định này, ông Đỗ Văn Bằng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội đề xuất, quan điểm của Hiệp hội là cái gì thuộc vào Nghị định, quy định của Chính phủ về pháp luật vận tải, đơn vị tham gia vận tải phải thực hiện nghiêm. Trong quá trình thực hiện, chúng ta có văn bản kiến nghị và có ý kiến xem xét, thay đổi cơ chế chính sách cho phù hợp.
“Hiệp hội có văn bản kiến nghị đưa ra quy định, đối với quy định thời gian lái xe 48 giờ/tuần chúng ta có những cơ chế, chính sách đối với lái xe chuyên nghiệp, lái xe đặc thù. Có thể vẫn làm 48 giờ/tuần và tăng thời gian làm việc thêm khoảng 30% so với quy định, đối với lái xe đủ năng lực và đủ sức khỏe, lái xe tự nguyện, doanh nghiệp không thể ép buộc được”, vị này cho hay.
Được biết, theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP, nếu lái xe và doanh nghiệp vi phạm quy định về việc “không được lái xe quá 48 giờ/tuần, không được điều khiển xe quá 10 giờ trong một ngày và không lái xe liên tục quá 4 giờ” sẽ phải chịu mức phạt tiền từ 3-5 triệu đồng kèm hình phạt bổ sung là trừ 2 điểm giấy phép lái xe nếu tài xế vi phạm.
Còn đối với chủ xe để cho tài xế của mình vi phạm cũng sẽ bị xử phạt từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân và từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức.