Kinh tế thế giới

Ông Trump chú trọng hợp tác song phương, ASEAN thích ứng thế nào?

Cẩm Anh 17/01/2025 11:02

Việc ông Trump tập trung vào hợp tác song phương có thể làm giảm vai trò của ASEAN với tư cách là một khối thống nhất có ảnh hưởng kinh tế đáng kể.

Khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, châu Á chuẩn bị cho những gì có thể là một trong những sự thay đổi mạnh mẽ nhất về thương mại quốc tế
Ông Trump sắp trở lại Nhà Trắng

Mặc dù là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của ASEAN, nhưng Mỹ được dự đoán sẽ đặt khối này vào vị trí thứ yếu trong lĩnh vực thương mại khi chính quyền Trump trở lại, làm giảm kỳ vọng khối này được các siêu cường thế giới coi là một cường quốc kinh tế.

Bị chi phối bởi những người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc và những người trung thành với Tổng thống đắc cử Donald Trump, chính quyền Mỹ sắp tới có nguy cơ làm chao đảo quan hệ Mỹ-ASEAN, thường được ví như một chiếc ghế ba chân được giữ vững bởi quan hệ quốc phòng, kinh tế và ngoại giao.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng kỳ vọng của Đông Nam Á đối với Hoa Kỳ trong bốn năm tới có thể cần phải được điều chỉnh.

“Tôi dự đoán Mỹ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc cải thiện các đề xuất kinh tế trong khu vực, đặc biệt là khi Hoa Kỳ hầu như không có nhu cầu về các hiệp định thương mại mới”, Lucas Myers, cộng sự cấp cao phụ trách Đông Nam Á tại Chương trình Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Trung tâm Wilson, cho biết.

Những chuyên gia quan sát lâu năm nói với tờ The Business Times rằng Tổng thống đắc cử, với thiên hướng chủ nghĩa song phương và chủ nghĩa giao dịch, có khả năng sẽ theo đuổi mối quan hệ với từng quốc gia riêng lẻ, bao gồm Philippines, một trong những đồng minh châu Á lâu đời nhất của Mỹ và có mối quan tâm chung về an ninh hàng hải và chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tâm lý phản đối của ông Trump đối với việc tham gia ở cấp độ đa phương đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ASEAN. Theo ông Myers, dưới thời Tổng thống Trump, Hoa Kỳ ít có khả năng chỉ nói suông về vai trò trung tâm của ASEAN, một khái niệm nhấn mạnh vai trò quan trọng của khối này trong việc giải quyết các thách thức chung và hợp tác với các cường quốc bên ngoài.

Chuyên gia này cho rằng chính quyền sắp tới sẽ hợp tác với các quốc gia thành viên ASEAN bằng cách tiếp cận dựa trên việc đạt được các lợi ích chính của Mỹ, chẳng hạn như tiếp cận các khoáng sản quan trọng, đối đầu với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và tìm kiếm các cơ hội mới cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Theo quan điểm của ông Myers, chính quyền mới của Mỹ sẽ tập trung vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc theo những cách có thể khiến ASEAN phải ngạc nhiên. Điều này khác với Mỹ dưới thời Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden, người đã hợp tác với các đối tác ở Đông Nam Á trên cơ sở song phương và theo từng vấn đề trong khi tăng cường quan hệ với ASEAN với tư cách là một khối.

untitled.jpg
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay nhau tại cuộc gặp bên lề Diễn đàn Kinh tế phương Đông ở Nga. Ảnh: Reuters

Ví dụ, cả hai bên đã nâng cấp quan hệ lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022, được hiểu rộng rãi là cấp độ quan hệ cao nhất giữa liên minh khu vực và các đối tác đối thoại của liên minh này.

Vào năm ngoái, Mỹ và ASEAN đã ra tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó Mỹ trở thành đối tác đối thoại đầu tiên của khối thực hiện điều này.

"Nhưng cách tiếp cận "nước Mỹ trên hết" của chính quyền Trump sắp tới sẽ tập trung vào việc tối đa hóa các lợi ích kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ. Điều này có khả năng đe dọa các ưu tiên của ASEAN và đảo ngược tiến trình đã đạt được trước đó", bà Joanne Lin, nghiên cứu viên cao cấp và điều phối viên tại Trung tâm nghiên cứu ASEAN, Viện Iseas-Yusof Ishak cảnh báo.

Bà Linn giải thích: "Sự bài xích của ông Trump đối với chủ nghĩa đa phương có thể dẫn đến việc Mỹ giảm sự tham gia vào các cơ chế do ASEAN lãnh đạo như Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, cũng như khả năng vắng mặt của Tổng thống Hoa Kỳ tại các hội nghị thượng đỉnh liên quan đến ASEAN".

Trên thực tế, các chuyên gia đã có nhiều thảo luận về những lần vắng mặt của Tổng thống Mỹ. Bà Lin nhận định rằng, điều này gửi đi những tín hiệu trái chiều về các ưu tiên chiến lược của Mỹ, đặc biệt là khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á thông qua sự tham gia liên tục của các lãnh đạo cấp cao.

"Khoảng cách giữa lời nói và hành động của Mỹ làm suy giảm lòng tin vào độ tin cậy của nước này với tư cách là đối tác, đồng thời có góp phần làm tăng ảnh hưởng cho các cường quốc khác có sự tham gia nhiều hơn", bà lưu ý; đồng thời cảnh báo rằng khu vực này có thể ngày càng chuyển hướng sang các cường quốc tầm trung như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu khi Trung Quốc củng cố sự hiện diện của mình.

Những chuyên gia khác cho biết mặc dù sự tham dự là quan trọng, nhưng việc vắng mặt không nhất thiết phản ánh sự thiếu cam kết.

Mặc dù vậy, các sáng kiến ​​như Hiệp định khung kinh tế số sắp tới sẽ giúp ASEAN giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc bên ngoài và hỗ trợ các chuỗi cung ứng phục hồi, giảm thiểu tác động của căng thẳng Mỹ-Trung.

Một số dự án khác như Lưới điện ASEAN sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của khu vực và thúc đẩy an ninh năng lượng. Singapore, Thái Lan, Malaysia và Lào hiện đang tham gia vào một dự án tích hợp năng lượng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa bốn quốc gia ASEAN về giao dịch điện xuyên biên giới đa phương.

"Để duy trì sự liên quan của mình, ASEAN cũng nên đa dạng hóa thị trường của mình để giảm thiểu rủi ro tách rời kinh tế. Bằng cách cùng nhau thúc đẩy các ưu tiên này, ASEAN có thể trở thành một nhà lãnh đạo khu vực chủ động thay vì là một bên thụ động trong khu vực", chuyên gia Lin đánh giá.

Nhưng để ASEAN chiếm được sự chú ý, theo nhiều chuyên gia, khối này cần củng cố vai trò nền tảng hiệu quả cho các cường quốc hội tụ. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu khối 10 thành viên xây dựng chương trình nghị sự khu vực rõ ràng.

“Thách thức nằm ở việc làm thế nào để ASEAN trở thành một thị trường hấp dẫn. Để làm được điều này, ASEAN có thể khai thác sức mạnh hội tụ và biến nó thành một nền tảng ngoại giao hiệu quả. Nhưng nếu điều này không còn được duy trì, dù là kinh tế hay an ninh, ASEAN sẽ mất đi sức hấp dẫn”, Julio Amador, người sáng lập và là người ủy thác của tổ chức phi lợi nhuận Facts Asia cho biết.

Cẩm Anh