Hợp tác kinh doanh sẽ giúp củng cố quan hệ Mỹ - Trung?
Trung Quốc có thể xoa dịu căng thẳng song phương với Mỹ bằng cách chuyển hướng chiến lược sang đầu tư trực tiếp vào sản xuất tại quốc gia này.
Khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị nhậm chức vào ngày 20/1 tới, một thời điểm quan trọng trong quan hệ Mỹ - Trung Quốc đang tiến đến gần. Một ngày trước lễ nhậm chức của ông, TikTok có thể phải đối mặt với việc đóng cửa hoàn toàn tại Mỹ.
Tuyên bố của ông Trump vào tháng trước rằng Mỹ và Trung Quốc có thể cùng nhau giải quyết mọi vấn đề của thế giới báo hiệu sự thiết lập lại quan hệ song phương. Ông đã cho thấy bản thân cởi mở với việc hợp tác thực tế trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, đặc biệt là với thỏa thuận thương mại giai đoạn một, thiết lập khuôn khổ cho các dịch vụ tài chính và bảo vệ sở hữu trí tuệ, cũng như mở rộng sự tham gia kinh tế.
Đội ngũ mới của ông Trump phản ánh các ưu tiên thương mại của ông: ông David Perdue, người có kinh nghiệm kinh doanh sâu rộng ở châu Á, làm đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc; "cựu chiến binh" Phố Wall Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính; ông Jamieson Greer làm Đại diện thương mại Mỹ... Tất cả đều báo hiệu một cách tiếp cận tập trung vào kinh doanh.
Những đột phá ngoại giao do doanh nghiệp thúc đẩy không phải là không có tiền lệ. Các chuyên gia chỉ ra, việc giải quyết căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản vào những năm 1980 có những điểm tương đồng.
Vào những năm 1980, Nhật Bản đã làm dịu căng thẳng song phương với Mỹ thông qua chiến lược chuyển hướng đầu tư trực tiếp vào sản xuất tại Mỹ.
Trước những hạn chế nghiêm ngặt về nhập khẩu ô tô của Mỹ, quyết định của Toyota vào năm 1985 về việc xây dựng một nhà máy tại Kentucky đã mang tính chuyển đổi, tạo ra việc làm trực tiếp và trong toàn bộ chuỗi cung ứng địa phương.
Sự đầu tư của Honda tại bang Ohio cho thấy việc nội địa hóa sản xuất có thể giải quyết mất cân bằng thương mại, đồng thời tạo ra việc làm cho người dân địa phương.
Thông qua chiến lược "Sản xuất tại Hoa Kỳ", Nhật Bản đã cân bằng được thặng dư thương mại của mình trong khi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ.
Mặc dù sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ngày nay vượt xa Nhật Bản vào những năm 1980, nhưng bài học rất rõ ràng: đầu tư chiến lược đã chuyển đổi quan hệ Mỹ-Nhật. Cách tiếp cận tương tự có thể ổn định quan hệ Mỹ-Trung Quốc ngày nay.
Theo ông Vương Huệ Diệu, người sáng lập Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một tổ chức tư vấn phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh, các công ty Trung Quốc tại Hoa Kỳ cho thấy cách tiếp cận dựa trên đầu tư có thể hiệu quả như thế nào.
Cam kết 1 tỷ USD của Tập đoàn Công nghiệp Kính Fuyao tại Ohio không chỉ là một khoản đầu tư vào sản xuất, mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm, đồng thời góp phần nâng cao năng suất của Mỹ.
Cơ sở xe buýt điện của BYD tại Lancaster, California là một cột mốc chiến lược khác. Được hỗ trợ bởi khoản đầu tư hơn 250 triệu USD tại Bắc Mỹ và sử dụng hơn 750 công nhân, nhà sản xuất xe hơi đầu tiên của Trung Quốc tại Mỹ mang đến cả công nghệ năng lượng sạch và cơ hội việc làm.
Sự hợp tác của CRRC Corp với Chicago cũng là một ví dụ. Sau khi đảm bảo hợp đồng cung cấp toa tàu cho Cơ quan Giao thông Vận tải Chicago vào năm 2016, CRRC đã đầu tư 100 triệu đô la Mỹ vào việc thành lập một cơ sở sản xuất, tạo ra hàng trăm việc làm.
Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng mới, các công ty Trung Quốc đang mang năng lực sản xuất tiên tiến đến thị trường Mỹ. Contemporary Amperex Technology (CATL), nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới đã thiết lập quan hệ đối tác cấp phép công nghệ với nhà máy của Ford ở Michigan và hiện đang làm việc với Tesla tại cơ sở ở Nevada.
Người sáng lập và Chủ tịch của CATL Robin Zeng gần đây đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến việc xây dựng các nhà máy sản xuất tại Mỹ, phù hợp với lập trường của ông Trump rằng: "các công ty Trung Quốc nên xây dựng nhà máy tại đây và thuê công nhân của chúng tôi". Có thể thấy, các doanh nghiệp Trung Quốc nhìn thấy cơ hội mở rộng hoạt động tại Hoa Kỳ.
Cả hai chiều đều có lợi. Các công ty Mỹ đã đạt được thành công đáng kể tại thị trường rộng lớn của Trung Quốc. Năm 2023, Trung Quốc chiếm 63,8% doanh thu bán hàng toàn cầu của Qualcomm, 26,8% của Intel Corp và khoảng 33% của General Motors. Hiệu suất của Tesla cũng nổi bật: vào năm ngoái, hãng đã bán được hơn 657.000 ô tô tại Trung Quốc, tăng 8,8% và đạt mức cao kỷ lục.
Việc đưa ô tô của Tesla vào danh sách mua sắm của chính phủ Trung Quốc cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy sự cởi mở của Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Sự thống trị của Apple trên thị trường cao cấp của Trung Quốc cũng đáng chú ý; quốc gia này là thị trường lớn thứ hai của Apple trong lĩnh vực điện thoại thông minh.
Quy mô hợp tác kinh doanh giữa Mỹ và Trung Quốc là rất lớn. Ước tính có hơn 73.000 công ty Mỹ tại Trung Quốc với khoản đầu tư vượt quá 1,2 nghìn tỷ USD, bao gồm điện tử, ô tô, hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính. Từ năm 2009 đến năm 2023, trong khi xuất khẩu toàn cầu của Hoa Kỳ tăng 91,1%, thì xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc tăng 112,6%.
Ông Vương Huệ Diệu cho biết mối quan hệ kinh doanh ngày càng phát triển cũng thể hiện rõ tại triển lãm thương mại CES gần đây ở Las Vegas, nơi hơn 1.300 công ty Trung Quốc tham gia, chiếm 27% tổng số doanh nghiệp tham gia triển lãm. Điều này nhấn mạnh cách thức hợp tác thương mại có thể củng cố mối quan hệ song phương Mỹ- Trung ngay cả trong bối cảnh căng thẳng thương mại có nguy cơ leo thang.
Các chuyên gia nhận định, phạm vi hợp tác giữa hai nước có thể mở rộng vượt xa các lĩnh vực truyền thống sang lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) mới nổi.
Khi cuộc cạnh tranh về AI ở biên giới ngày càng gay gắt, các mối quan tâm chung về an ninh có thể tạo ra tiếng nói chung. Phong cách đàm phán của ông Trump có thể tạo ra những cơ hội độc đáo cho sự hợp tác có mục tiêu trong khuôn khổ quản trị và an toàn AI.
Có thể thấy, đầu tư chiến lược và sản xuất tại Mỹ có thể biến căng thẳng kinh tế thành thịnh vượng chung. Những cách tiếp cận hướng đến doanh nghiệp này có thể là cách thiết thực nhất để xây dựng lại lòng tin giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, giải quyết các vấn đề thông qua hợp tác thương mại.