Tạo đòn bẩy cho ngành vật liệu xây dựng
Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất cũng như đẩy mạnh phát triển ngành vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Trong thời gian qua, vật liệu xây dựng đã có bước phát triển nhanh và mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực như xi măng, kính, thủy tinh, bê tông… Theo đó, nhiều sản phẩm vật liệu xây dựng mẫu mã mới đã được sản xuất bằng công nghệ mới. Hầu hết sản lượng sản xuất và tiêu thụ các vật liệu xây dựng chủ yếu đều tăng trong năm 2024. Riêng ngành xi măng, sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều đạt khoảng 91 triệu tấn… Bên cạnh việc sản xuất vật liệu xây dựng trong nước, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu, hiện đã có thêm lượng vật liệu xây dựng lớn nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới về thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế với ngành này, ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, nhiều lĩnh vực sản xuất chủ yếu được đầu tư với quy mô nhỏ, trung bình, đặc biệt là các cơ sở sản xuất gạch, ngói, đất sét nung, gạch không nung, khai thác đá, cát xây dựng… Do đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ và sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, sản xuất vật liệu tại Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào như tài nguyên khoáng sản, công nghệ, năng lượng và vốn. Việc cân đối cung cầu của các chủng loại sản phẩm còn bất cập, dẫn đến tình trạng dư thừa cũng như không khai thác hết năng lực sản xuất của doanh nghiệp. Cùng đó, việc sử dụng nhiên - nguyên liệu thay thế, đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong sản xuất vật liệu xây dựng chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức…
Theo ông Hiệp, để giải quyết những tồn tại, hạn chế, trong giai đoạn tiếp theo, Nhà nước và doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai một số nhiệm vụ nhằm nâng cao quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng. Đặc biệt, chú trọng nghiên cứu phát triển các loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
Còn theo chia sẻ của ông Quách Hữu Thuận, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viglacera, thành tựu mới nhất của Viglacera tập trung vào 5 lĩnh vực sản phẩm bê tông khí chưng áp, đá nung kết, kính tiết kiệm năng lượng và kính siêu trắng, sứ vệ sinh thông minh và sen vòi phủ PVD. Trong đó, yếu tố công nghệ - đổi mới - sáng tạo luôn là định hướng xuyên suốt.
“Tuy nhiên, trong bối cạnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tạo lập những chính sách mạnh mẽ để hỗ trợ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng các sản phẩm mới công nghệ cao. Cụ thể như việc thiết lập hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu, đối xử công bằng như các nước đang áp dụng với Việt Nam. Đồng thời, cập nhật các quy phạm kỹ thuật, quy chuẩn… cho những dòng sản phẩm mới, hoặc đưa vào thông báo giá kịp thời để tạo điều kiện sử dụng cho các công trình quốc gia”, ông Thuận nhấn mạnh.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, không ít ý kiến nhìn nhận, động lực phát triển kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ đến từ đầu tư công trong nước, xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ với quyết tâm rất lớn. Các chuyên gia tại Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, cùng với sự gia tăng đầu tư công, các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng như thép, xi măng, nhựa đường, logistics, bất động sản dân dụng và khu công nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 146.990 tỷ đồng, dài 729km, đã bắt đầu thi công từ năm 2023 và dự kiến cơ bản hoàn thành vào năm 2025, vận hành từ năm 2026. Theo đó, những doanh nghiệp lớn như Vinaconex, Đèo Cả và CIENCO 4 đã được chỉ định thầu và giai đoạn 2025 - 2026 được xem là "điểm rơi lợi nhuận" của các doanh nghiệp này.
Cùng với đó, một số dự án trọng điểm khác như sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và đường Vành đai 4 Hà Nội cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư 67,3 tỷ USD dự kiến khởi công năm 2027 và hoàn thành năm 2035, sẽ tạo ra thị trường xây dựng trị giá 33,5 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu.