Quảng Ninh: Phát triển cụm công nghiệp để “hút” đầu tư
Tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) để “hút” đầu tư, hướng tới phát triển bền vững.
Tạo điều kiện thuận lợi
Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ), toàn tỉnh Quảng Ninh có 45 CCN với tổng diện tích trên 2.700ha. Trong đó, thời kỳ 2021-2030 phát triển 36 CCN với diện tích trên 2.100ha; tầm nhìn đến năm 2050, phát triển 9 CCN có diện tích 606ha.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thành lập được 11 CCN, với tổng diện tích là 577,55ha. Trong đó, 6 CCN đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động với tổng diện tích 375,39ha. 5 CCN đang đầu tư, triển khai các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư CCN, tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên quỹ đất, hỗ trợ các hạng mục phụ trợ. Đồng thời, hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Địa phương này cũng chú trọng công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư. Cùng với đó, tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến kêu gọi đầu tư, trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững.
Ông Hoàng Vĩnh Khuyến - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà cho biết, trên địa bàn huyện Đầm Hà hiện có những nhà đầu tư để vào khai thác và triển khai theo quy hoạch của huyện, trong đó có dự án CCN Đầm Hà B. Để nhanh chóng triển khai dự án, huyện Đầm Hà cũng đã triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ cho chủ đầu tư về thuế. Hiện, địa phương đang cùng với chủ đầu tư đẩy nhanh thủ tục về đất đai, tăng cường phương tiện, nhân lực xây dựng để sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đưa CCN vào hoạt động.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư CCN phía Đông Đầm Hà B cho biết, huyện Đầm Hà có vị trí rất quan trọng ở khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và gần Bắc Phong Sinh. Địa phương này còn nằm trên trục cao tốc Hạ Long - Móng Cái là một trong những trục cao tốc mới được tỉnh Quảng Ninh đầu tư và rất thuận tiện khi di chuyển. Các chính sách đầu tư đối với Đầm Hà, ngoài chính sách đầu tư của CCN Đầm Hà thì có chính sách ưu đãi cho vùng sâu, vùng xa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đây là động lực và quyết tâm để phía công ty nhanh chóng hoàn thiện dự án.
Còn theo đại diện Công ty CP Cơ điện Cẩm Phả, năm 2020, công ty chuyển vào CCN Cẩm Thịnh. Trong quá trình triển khai sản xuất, phía doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của đơn vị quản lý CCN. CCN cũng đã đáp ứng đủ các tiêu chí về hạ tầng, kỹ thuật, diện tích, yêu cầu làm việc… cho doanh nghiệp.
Hướng tới phát triển bền vững
Cùng với phát triển khu công nghiệp, việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển các CCN được tỉnh Quảng Ninh chú trọng để hút các nhà đầu tư, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo ông Phạm Hồng Điệp, phía doanh nghiệp sẽ xây dựng CCN Đầm Hà thành sinh thái theo đúng nghĩa. Khi CCN sinh thái Đầm Hà được hình thành, sẽ đem lại giá trị thu ngân sách cho huyện Đầm Hà và đây là giá trị hơn hết phục vụ cho việc phát triển kinh tế, hạ tầng của địa phương.
Được biết, để thực hiện lộ trình phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh bền vững, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư phát triển, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đồng thời, tổ chức đối thoại để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp…
Về phía Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh, đơn vị này đã chủ động tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác quản lý CCN, bảo đảm đúng định hướng, thực sự phát huy vai trò, hiệu quả của các CCN trên địa bàn. Đồng thời, thiết lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật để phục vụ công tác hỗ trợ di dời đối với các cơ sở và chủ động nắm bắt tình hình, nhu cầu, khó khăn vướng mắc của CCN tại các địa phương để xem xét, tháo gỡ kịp thời. Cùng với đó, đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng, thu hút các tổ chức, cá nhân vào sản xuất kinh doanh, quản lý CCN chặt chẽ, bài bản, đúng quy định.
Trước đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong CCN trên địa bàn tỉnh. Tại đây, đại diện các chủ đầu tư, doanh nghiệp trong CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được thông tin về Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN. Đồng thời, tại hội nghị, nhiều vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN và các doanh nghiệp trong CCN về các nội dung như: Công tác thu hồi nợ, cấp bìa đỏ cho nhà đầu tư thứ cấp, tuyển dụng lao động, điều kiện hỗ trợ kinh phí di dời theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các vướng mắc về quy hoạch, vốn đầu tư… đã được Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành, liên quan giải đáp, đưa ra các phương án tháo gỡ trong thời gian tới.