Chứng khoán

Thời điểm “vàng” tiến tới nâng hạng thị trường chứng khoán

Diễm Ngọc 19/01/2025 04:00

Việt Nam đang trong giai đoạn “vàng” để nâng hạng TTCK, giúp cải thiện niềm tin nhà đầu tư, tác động tích cực đến nền kinh tế và tăng cường uy tín quốc gia.

Tăng trưởng kinh tế ấn tượng

Năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng, đạt 7,09% so với cùng kỳ, cao thứ hai trong vòng 5 năm qua, chỉ đứng sau năm 2022. Điểm sáng chính đến từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng tốt, song mức độ lan tỏa vào các lĩnh vực khác trong nền kinh tế vẫn chưa cao.

ktvn.jpg
Năm 2024, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng GDP ấn tượng

Nhìn sang năm 2025, Công ty Chứng khoán BSC dự báo GDP tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với động lực chuyển dịch từ thương mại quốc tế sang thúc đẩy các hoạt động kinh tế nội địa. Trong đó, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm củng cố nền tảng cho giai đoạn tăng trưởng mới, bao gồm:

Thứ nhất, cải cách thể chế và đầu tư hạ tầng. Nhiều chính sách tinh gọn bộ máy và nâng cấp cơ sở hạ tầng đang được triển khai.

Thứ hai, giải ngân đầu tư công cao. Theo Quyết định số 1508/QĐ-TTg, ngân sách chi đầu tư phát triển năm 2025 là 790,7 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với năm trước.

Thứ ba, hỗ trợ tiêu dùng nội địa. Chính phủ tiếp tục duy trì chính sách giảm VAT từ 10% xuống 8% và gia hạn đến giữa năm 2025 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước, vốn đang tăng trưởng chậm ở mức 9% năm 2024, thấp hơn giai đoạn trước dịch.

Bối cảnh vĩ mô cũng tạo thuận lợi khi lạm phát dự kiến được kiểm soát tốt nhờ các yếu tố gây áp lực như giá xăng dầu, gạo giảm so với năm trước. Điều này mở ra dư địa cho chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Dù vậy, vẫn còn những yếu tố bất định ở thời điểm hiện tại và cần quan sát trong tương lai, tiêu biểu là các chính sách dưới thời Trump 2.0 có khả năng khiến lạm phát Hoa Kỳ tăng trở lại, gián tiếp khiến tốc độ hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chậm lại hoặc kết thúc sớm hơn.

Với việc quay lại Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ 2, chính sách của ông Donald Trump sẽ định hình lại bức tranh kinh tế thế giới trong 5 năm tới. Các trọng tâm chính sách mới về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hóa quy trình pháp lý, áp đặt thuế nhập khẩu cao, cải cách nhập cư và năng lượng đều hướng tới mục tiêu tăng trưởng, cùng với hệ quả Dollar Index (DXY) gia tăng và nguy cơ lạm phát trở lại. USD tăng giá đi cùng sự giảm giá của đồng nội tệ và dòng vốn rút ra tại các nước đang phát triển xảy ra trong cả năm 2024. Diễn biến này tiếp tục căng thẳng vào đầu năm 2025, ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn lực cũng như điều hành chính sách các nước khu vực, trong đó có Việt Nam.

Tập trung cho mục tiêu nâng hạng TTCK

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), Việt Nam hiện đứng đầu về tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên (Frontier Market) theo MSCI và FTSE. Tuy nhiên, với giá trị vốn hóa, thanh khoản và số lượng cổ phiếu đáp ứng tiêu chuẩn thị trường mới nổi (Emerging Market).

Chứng khoán
Nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể thu hút dòng vốn 700 triệu - 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF và nhà đầu tư

Việc ở lại quá lâu trong “chiếc áo” Frontier sẽ thu hẹp cơ hội của doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nguồn lực từ nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN), cũng như hạn chế khả năng phát triển của thị trường để hội nhập với các tiêu chuẩn thế giới.

Theo BSC, việc nâng hạng thành công sẽ cải thiện niềm tin nhà đầu tư, từ đó tác động tích cực đến nền kinh tế, tăng cường uy tín quốc gia – thời điểm rất phù hợp theo tư tưởng lớn mà Tổng bí thư Tô Lâm đề ra: “Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã thực hiện nhiều thay đổi quan trọng như: Thông tư 68/TT-BTC: Gỡ bỏ nút thắt về thanh toán trước (pre-funding) và yêu cầu công bố thông tin song ngữ, giúp NĐTNN tham gia dễ dàng hơn; Luật Chứng khoán sửa đổi đã thông qua cơ chế thành lập công ty bù trừ trung tâm (CCP) – một bước tiến lớn để cải thiện hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán cơ sở.

FTSE Russell và MSCI đã ghi nhận những cải tiến của Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo được nâng hạng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện các yếu tố gồm: Tính khả thi cũng như trải nghiệm của NĐTNN khi sử dụng giải pháp NPS (Non-pre-funding); Quy trình và chi phí liên quan đến các giao dịch thất bại cần được đánh giá thêm để xem xét nâng hạng trong tương lai.

Ngoài ra, cần giải quyết những vẫn đề còn tồn tại như: Quy trình đăng ký/mở tài khoản cho NĐTNN, tỷ lệ sở hữu nước ngoài, lộ trình rõ ràng trong việc thực thi các quy định mới cũng cần sớm được thay đổi.

Theo kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể học hỏi từ quá tình nâng hạng thành công của Ả Rập Xê Út. Năm 2018, Ả Rập Xê Út được chấp thuận nâng hạng đồng thời bởi cả ba tổ chức MSCI, FTSE Russell và S&P Globlal. Đây là quốc gia được MSCI nâng hạng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, chỉ một năm kể từ khi đưa vào danh sách theo dõi.

Thành công này đến từ nhiều yếu tố trong đó nổi bật là: Quyết tâm và nỗ lực chính trị cao; Sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Trung ương và Cơ quan phát triển thị trường vốn; Tầm nhìn dài hạn phát triển đất nước trong đó xác định thị trường tài chính là một cấu phần quan trọng; Cam kết và thực hiện mạnh mẽ các thay đổi để thu hút NĐTNN (tỷ lệ sở hữu Nhà nước, quy trình mở tài khoản...); Áp dụng các chuẩn mực quốc tế, công nghệ mới trên thị trường (IFRS, CCP, tiền kỹ thuật số, công nghệ sổ cái phân tán...).

Chuyên gia tại BSC cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi chiến lược của Ả Rập Xê Út để tận dụng dòng vốn ngoại, từ đó thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, phát triển sản phẩm tài chính mới như giao dịch trong ngày (day-trading), bán khống (short-selling) và các công cụ phái sinh khác.

Tuy nhiên trong quá khứ cũng có không ít các quốc gia đã bị hạ bậc thị trường, gần nhất vào ngày 23/9/2024, FTSE Russell đã chính thức hạ bậc Pakistan từ Secondary Emerging xuống Frontier market. Do đó TTCK Việt Nam cũng cần có chiến lược dài hạn để hướng đến các tiêu chuẩn cao hơn trong đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới.

“Đây sẽ là giải pháp giúp TTCK Việt Nam tiệm cận chuẩn mực khu vực và thế giới. Nếu được nâng hạng, TTCK Việt Nam có thể thu hút dòng vốn 700 triệu - 1,5 tỷ USD từ các quỹ ETF và nhà đầu tư chủ động.

Thời gian tới, FTSE Russell có thể công bố quyết định nâng hạng vào tháng 9/2025 và các nhà đầu tư nước ngoài thường mua ròng trước 3-4 tháng với FTSE, và 4-5 tháng với MSCI. Điều này tạo cơ hội lớn cho nhà đầu tư trong nước nếu nắm bắt kịp thời xu hướng”, nhóm chuyên gia dự báo.

Diễm Ngọc