Nghiên cứu - Trao đổi

Thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân: Cần tiếp tục cải cách chính sách

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 19/01/2025 04:30

Với vai trò to lớn trong việc khai thác và phát huy nguồn lực của đất nước, không ít ý kiến cho rằng, để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp tư nhân, cần tiếp tục cải cách chính sách.

Theo đó, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và cả giai đoạn 5 năm 2021-2025 theo Kết luận, yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Nghị quyết của Quốc hội. tại Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2025, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt ít nhất 8% và phấn đấu hai con số trong điều kiện thuận lợi hơn (cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%).

Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP của các địa phương năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%, nhất là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các địa phương tiềm năng, thành phố lớn là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước để phát huy vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2025;…

thuc-day-phat-trien-khu-vuc-doanh-nghiep-tu-nhan-18.1.1.jpg
Để hiện thực hoác mục tiêu tăng trưởng, nhiều ý kiến cho rằng, cần định hướng doanh nghiệp tư nhân trở thành thành phần kinh tế trung tâm, vì họ hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững - Ảnh minh họa

Xoay quanh nội dung Nghị quyết, không ít ý kiến cho rằng, để cụ thể hóa mục tiêu đã đề ra, cần định hướng doanh nghiệp tư nhân trở thành thành phần kinh tế trung tâm, vì họ hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững. Doanh nghiệp tư nhân sở hữu tài sản riêng, tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và công nghệ, từ đó đóng góp vào việc xây dựng văn minh xã hội. Khi doanh nghiệp phát triển, họ sẽ tập trung vào tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực, qua đó nâng cao trình độ lao động, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Sự thành công trong kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nộp thuế, đóng góp vào ngân sách quốc gia.

Thực tế cho thấy, với sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng ứng phó nhanh chóng với thay đổi của thị trường, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò to lớn trong việc khai thác và phát huy nguồn lực của đất nước, góp phần đưa quốc gia vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.

thuc-day-phat-trien-khu-vuc-doanh-nghiep-tu-nhan-18.1.2.jpg
Với sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng ứng phó nhanh chóng với thay đổi của thị trường, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò to lớn trong việc khai thác và phát huy nguồn lực của đất nước - Ảnh minh họa

Doanh nghiệp tư nhân không chỉ tham gia vào các ngành thâm dụng lao động mà còn có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực sáng tạo, công nghệ cao và sản xuất tinh vi. Bằng việc tập trung vào đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất, doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, giúp đất nước bắt kịp các xu hướng công nghệ và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Những doanh nghiệp này, với khả năng ra quyết định nhanh chóng và sáng tạo, là nền tảng quan trọng để chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nền kinh tế tri thức, gia tăng giá trị trong các sản phẩm và dịch vụ…

Và để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho khu vực doanh nghiệp tư nhân, nhiều ý kiến cho hay, cần tiếp tục cải cách chính sách.

Theo TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, doanh nghiệp nói chung, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân là chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Để động lực này phát huy tối đa hiệu quả, vấn đề cốt lõi là nâng cao hiệu quả của thị trường cả phía cung lẫn cầu. Về phía cung, cần tạo điều kiện tiếp cận công bằng và cạnh tranh về các nguồn lực cho đầu tư kinh doanh phát triển. Về phía cầu, cần đảm bảo tín hiệu thị trường không bị méo mó bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ngăn chặn sự chi phối của sân sau, lợi ích nhóm.

“Để đạt được 2 yếu tố cung và cầu hiệu quả trên thị trường, đòi hỏi phải cải cách toàn diện hơn nữa, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, qua đó cải thiện thứ hạng và năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như các ngành và doanh nghiệp. Các hỗ trợ về đầu tư và chính sách thúc đẩy của Nhà nước nên tập trung trọng tâm vào kết nối cả cung lẫn cầu trên tiêu chí hiệu quả doanh nghiệp đầu tiên. Trong cải cách quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, thị trường nói riêng, mục tiêu cao nhất là hướng tới giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nhất là chi phí ngầm cùng với giảm các rủi ro trong đầu tư và kinh doanh”, ông Việt nhấn mạnh.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, giải pháp thể chế đặc biệt quan trọng. Trong đó, điều doanh nghiệp cần nhất là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư và xuất nhập khẩu. Về đầu tư, cần giải quyết theo hướng làm sao đưa vốn vào nền kinh tế một cách nhanh nhất, đặc biệt là giải quyết các thủ tục đất đai, đầu tư, quy hoạch… về xuất nhập khẩu, hiện mỗi ngày có gần 90 nghìn doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục xuất nhập khẩu. Dù đã có một số cải thiện và rút ngắn so với trước song vẫn cần tiếp tục cải thiện thủ tục này để giảm thời gian thông quan, lưu kho bãi, giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn.

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn