Ngành bán lẻ Việt Nam sẵn sàng cho sự tăng trưởng mới
Ngành bán lẻ Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi các yếu tố thuận lợi.
Dự báo tăng trưởng ấn tượng
Theo dự báo của Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2025 có thể đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% tổng ngân sách nhà nước. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển, việc áp dụng thanh toán kỹ thuật số và sự gia tăng của các hình thức bán lẻ hiện đại. Hơn nữa, niềm tin của người tiêu dùng và thu nhập khả dụng tăng cũng đang củng cố vai trò của ngành bán lẻ trong quá trình phục hồi kinh tế.
Bên cạnh đó, với lợi thế về nhân khẩu học khi dân số Việt Nam vượt quá 100 triệu người, với hơn 70% dưới 40 tuổi. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người dự kiến sẽ vượt quá 5.000 USD, kích thích tăng chi tiêu của người tiêu dùng. Tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ chiếm 26% dân số vào năm 2026, với thêm 23,2 triệu người gia nhập nhóm này vào năm 2033. Cơ cấu dân số này tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành bán lẻ, khi nhu cầu tiêu dùng ngày càng đa dạng và phong phú.
Theo các chuyên gia kinh tế, các động lực chính của sự tăng trưởng bán lẻ Việt Nam có thể nằm trong các yếu tố như việc mở rộng mạng lưới bán lẻ hiện đại, áp dụng việc thanh toán kỹ thuật số, cùng với yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Theo đó, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và nền tảng trực tuyến đang tiếp cận các thị trường nông thôn, cải thiện khả năng tiếp cận và sự tiện lợi cho người tiêu dùng. Cùng với việc có khoảng 40% người tiêu dùng hiện sử dụng ứng dụng ngân hàng để mua sắm, phản ánh sự chuyển dịch sang giao dịch không dùng tiền mặt. Đồng thời, các chính sách thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số và giảm 2% thuế VAT cũng đang kích thích chi tiêu.
Thêm vào việc người tiêu dùng Việt Nam cũng đang trở nên sáng suốt hơn, ưa chuộng chất lượng, tính bền vững và các thương hiệu đáng tin cậy. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường và chất lượng cao. Sự chuyển dịch từ nhạy cảm về giá sang tiêu dùng theo giá trị và tăng lòng trung thành với thương hiệu trong số người tiêu dùng.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy nền kinh tế số và hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng đang tạo ra nền tảng màu mỡ cho đổi mới bán lẻ. Cách tiếp cận chủ động này mang lại cho các công ty nước ngoài sự tự tin để đầu tư và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Thách thức và triển vọng
Trên thực tế, ngành bán lẻ Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau những khó khăn của các năm trước. Các doanh nghiệp lớn như PNJ, FRT và MWG đã tận dụng cơ hội từ sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng, mở rộng thị trường và tối ưu hóa chi phí để duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, ngành bán lẻ cần đối mặt và vượt qua nhiều thách thức trong thời gian tới.
Sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài và các thương hiệu lớn tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp nội địa phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm chiến lược mới để duy trì thị phần. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và duy trì hoạt động.
Bên cạnh đó, rủi ro lạm phát tăng, tồn kho lớn, tỷ giá biến động và suy thoái kinh tế là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng và khả năng hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ. Ngay cả trong năm 2024 vừa qua, các doanh nghiệp đã phải đối mặt với những khó khăn này, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận.
Ngoài ra, tình trạng thiếu hụt nguyên liệu, tăng chi phí vận chuyển và các vấn đề về logistics do ảnh hưởng của căng thẳng quốc tế đã gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng. Điều này làm giảm khả năng cung cấp hàng hóa của các nhà bán lẻ, dẫn đến sự chậm lại trong tăng trưởng doanh thu.
Dù vậy, bức tranh tổng thể của ngành bán lẻ được dự báo có tiềm năng bứt phá hơn, dựa trên cơ sở ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Và khi quá trình chuyển đổi số cùng với những xu hướng tiêu dùng đang thay đổi tiếp tục định hình lại thị trường, ngành này vẫn còn nhiều cơ hội cho cả các công ty trong nước và quốc tế.