Doanh nghiệp

Giới hạn giờ lái xe, doanh nghiệp lo chi phí logistics tăng

Thy Hằng 19/01/2025 01:09

Doanh nghiệp lo ngại quy định hạn chế giờ lái xe làm giảm năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp vận tải đường bộ, kéo theo giá cước, chi phí logistics tăng.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, quy định lái xe không vượt quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và 4 giờ liên tục. Cùng với đó, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đang nhận được sự quan tâm lớn.

dich-vu-van-tai-bang-duong-bo-3.jpg
Doanh nghiệp cho rằng, tình trạng ùn tắc kéo dài ở các thành phố lớn và quốc lộ chính khiến tài xế khó tuân thủ quy định.

Dẫu biết lợi ích lâu dài và mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông nhưng nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 còn những điểm chưa phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan liên quan. Hiệp hội nhấn mạnh rằng hệ thống đường bộ Việt Nam chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc kéo dài ở các thành phố lớn và quốc lộ chính khiến tài xế khó tuân thủ quy định.

Bên cạnh việc ùn tắc, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cũng là một rào cản lớn với doanh nghiệp. Theo đó, nhiều tuyến đường quốc lộ và cao tốc, như tuyến Bắc - Nam, thiếu các trạm dừng nghỉ, khiến tài xế không thể tuân thủ thời gian nghỉ ngơi theo quy định. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình vốn được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ quản lý lại thường xuyên cung cấp dữ liệu không chính xác, gây thêm áp lực lên cả tài xế và doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhiều lo ngại cho rằng việc giới hạn giờ lái xe không chỉ ảnh hưởng kéo dài thời gian vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải mà còn có thể tác động tới các doanh nghiệp sản xuất.

Do đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề xuất nới lỏng quy định thời gian lái xe từ 48 giờ lên 60 giờ mỗi tuần, điều chỉnh thời gian lái xe liên tục để phù hợp hơn với thực tế, cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung các trạm dừng nghỉ, và áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hành chính.

Đồng thời, kiến nghị tăng cường đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, lắp đặt thêm trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính, đặc biệt là những đoạn giao thông huyết mạch như tuyến Bắc - Nam. Đây được xem là giải pháp dài hạn để giảm ùn tắc và hỗ trợ tài xế tuân thủ quy định mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

van_tai_duong_bo.jpg
Doanh nghiệp lo ngại quy định hạn chế giờ lái xe làm giảm năng lực cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp vận tải đường bộ, kéo theo giá cước tăng.

Cũng liên quan những vướng mắc này, Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) vừa có công văn số 20200101/HH về việc vướng mắc khi thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024, Nghị định 168/2024/NĐ-CP và Thông tư 79/2024/TT-BCA gửi Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an; Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT và Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.

Theo đó, HNLA cho biết, Khoản 1 Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định "Thời gian lái xe của người lái xe ô tô không quả 10 giờ trong một ngày và không quả 48 giò trong một tuân; lái xe liền tục không quả 04 giờ và bảo đảm các quy định có liên quan của Bộ luật Lao động".

Tuy nhiên, trên thực tế, tổng số giờ lái xe của lái xe khoảng 60-65 giờ/tuần đối với vận tải đường ngắn (dưới 300 km) và trên 65 giờ/tuần đổi với vận tải đường dài (trên 300 km). So sánh với số giờ làm việc tối đa quy định Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 là 48 giờ/tuần thì số giờ làm việc của lái xe bị giảm khoảng 20%-30% đối với vận tải đường ngắn và trên 30% đối với vận tải đường dài.

“Điều này đang gây ra những khó khăn với lái xe khi bị giảm 20%-30% thu nhập do giảm giờ làm việc. Quy định này đang làm giảm năng lực cung ứng dịch vụ của toàn thị trường vận tải đường bộ khoảng 20%- 30%, kéo theo giá cước tăng ước tính khoảng 20%-25%. Điều này sẽ làm tăng chi phí chi phí logistics quốc gia lên khoảng 10%-11% và làm giảm sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam”, Hiệp hội Logistics Hà Nội nhận định.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các quy định quốc tế về số giờ làm việc của lái xe trên thế giới, HNLA cho rằng, quy định 48 giờ làm việc một tuần của Việt Nam là thấp nhất khi so sánh với các nền kinh tế có trình độ phát triển cao nhất trên thế giới. Nếu xét đến kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của Việt Nam hiện nay, số giờ làm việc của lái xe quy định quá thấp như trên sẽ gây ra sự lãng phí lớn đến vốn đầu tư của người dân và doanh nghiệp vào hàng triệu phương tiện vận tải đường bộ.

Vì vậy, Hiệp hội Logistics Hà Nội kiến nghị, điều chỉnh số giờ làm việc của lái xe lên 65 giờ/tuần, bằng với mức cao nhất so với các quy định tại Mỹ, EU và Nhật Bản.

Thứ hai, chỉ áp dụng các quy định xử phạt tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP để phạt vi phạm thời gian lái xe liên tục, thời gian lái xe trong ngày và thời gian lái xe trong tuần khi lái xe vi phạm quá 10% thời gian quy định.

Thứ ba, tính thời gian lái xe cộng dồn một lần, trong ngày và trong tuần ở tốc độ tối thiểu 15 kms/giờ để loại bỏ đi những tình huống tắc đường kéo dài thường xuyên xảy ra ở các đô thị và trên hệ thống đường bộ Việt Nam. Đây là những tình huồng bất khả kháng cần miễn trừ trách nhiệm.

Thứ tư, chưa tiến hành xử phạt lái xe, doanh nghiệp trong thời gian tới để xem xét, điều chỉnh thời gian làm việc của lái xe cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Hiệp hội Logistics Hà Nội khẳng định, cộng đồng các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và hành khách hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ về việc nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, Nghị định 168/2024/NĐ-CP đưa ra các mức phạt quá nặng so với thu nhập chung của nhóm người lao động hành nghề lái xe đang gây ra những vấn đề lớn cho hoạt động vận tải đường bộ. Tâm lý lo lắng, sợ hãi về các mức phạt nặng so với thu nhập hàng tháng đang khiến lái xe có xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp, dẫn đến sự thiếu hụt lực lượng lái xe trong thời gian tới đây.

Mặt khác, theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP thì rất nhiều hành vi vi phạm của lái xe lại dẫn đến hình phạt cho doanh nghiệp chủ sở hữu phương tiện. Theo HNLA, điều này là không thỏa đáng vì nhầm lẫn chủ thể và không thể giải quyết trên thực tế. Do đó, đề nghị xem xét cách thức áp dụng các quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội thực tế tại Việt Nam.

Thy Hằng