Thấy gì qua sự kiện “TikTok không khả dụng” tại Mỹ?
“TikTok không khả dụng” tại Mỹ vào thời khắc cuối cùng nhiệm kỳ ông Biden sẽ mở ra những tính toán rộng lớn hơn cho người kế nhiệm Donald Trump.
Người dùng đã truy cập ứng dụng và trang web TikTok vào thứ Bảy tuần qua đã nhận được thông báo “Rất tiếc, TikTok hiện không khả dụng”. Lemon8, một dịch vụ khác do ByteDance cung cấp, cũng đã hiển thị thông báo cho người dùng biết rằng ứng dụng này không khả dụng tại Mỹ.
Sau nhiều ngày đồn đoán, mạng video TikTok chi nhánh Mỹ chính thức ngưng hoạt động - theo như dự kiến của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 4/2024. Mọi hy vọng đảo ngược chờ đợi vào người kế nhiệm Donald Trump, sẽ nhậm chức vào ngày 20/1.
Chỉ đợi có vậy, Apple và Google đã xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng của họ vào tối ngày 18/1 vừa qua, tuân thủ luật yêu cầu ByteDance của Trung Quốc phải thoái vốn khỏi ứng dụng xã hội này hoặc sẽ phải đối mặt với lệnh cấm có hiệu lực tại Hoa Kỳ.
Sau phán quyết của Tòa án tối cao, Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew cho biết, việc cấm TikTok là vi phạm “Tu chính án thứ nhất” Hiến pháp Mỹ, và nói thêm rằng hơn 7 triệu doanh nghiệp Mỹ sử dụng nó để tạo doanh thu và tìm kiếm khách hàng.
Sự kiện này cho thấy mâu thuẫn ngày càng trầm trọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Mồi lửa” được nhóm lên trong lĩnh vực thương mại, sau đó lan dần sang công nghệ, cuộc chiến khốc liệt ngay cả trên môi trường internet.
Hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán, các cuộc gặp gỡ bên lề giữa hai nguyên thủ, nhưng tất cả không đi đến đâu. Mỹ và Trung Quốc sở hữu đầy đủ công cụ kinh tế, thương mại, sức mạnh mềm, nhưng điều thiếu duy nhất là niềm tin vào nhau.
Mỹ là quốc gia sở hữu nhiều tập đoàn công nghệ lớn nhất hiện nay. Trong nhiều thập kỷ, Mỹ luôn bá chủ toàn cầu. Sức mạnh của họ đã vươn đến môi trường internet; Google, Youtube, Facebook có mặt ở mọi quốc gia, trừ Trung Quốc và một số ít nước khác.
Nhưng cũng chính các nhà lập pháp Mỹ đã lật dở mặt trái của kinh tế số, mạng xã hội để cáo buộc TikTok làm phương hại đến an ninh quốc gia. Và tất cả chúng ta cần biết rằng, cho dù là mạng xã hội của nước nào - thu thập và phân tích dữ liệu là nhiệm vụ hàng ngày.
Không ai dám chắc Google, Youtube, Facebook, Amazon,… không “nắm” thông tin của mình, sử dụng chúng vào mục đích gì - ngoài quảng cáo, tối đa hóa phương pháp tiếp cận người dùng.
Với lĩnh vực kinh tế số, dữ liệu là tài nguyên tối thượng, Trung Quốc nhanh chóng trở thành đối thủ "cân tài cân sức" với Mỹ, khiến Mỹ có nguy cơ mất ngôi bá chủ trong tương lai.
Hãy xem bên cạnh ông Trump bây giờ là ai? Tất cả Elon Musk, Sundar Pichai, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos,… đều là những “siêu nhân” khát dữ liệu hơn bao giờ hết; họ là đối thủ của các công ty công nghệ Trung Quốc.
Không hy vọng nhiều vào việc ông Trump sẽ mở cho TikTok “con đường sống” ở Mỹ một cách vô điều kiện. Cú “slow down” công nghệ vào thời điểm cuối cùng của nhiệm kỳ Joe Biden là cánh cửa mở ra cho người kế nhiệm những tính toán rộng lớn hơn là việc TikTok “không còn khả dụng”.