Chuyên đề

Tăng các gói kích thích tiêu dùng để hỗ trợ tăng trưởng

Hoàng Huy, CFA & Nguyen Hoang Minh, CFA, FRM - Maybank Investment Bank 20/01/2025 04:23

Việt Nam cần tránh nguy cơ giám sát thao túng tiền tệ, vừa thúc đẩy thương mại vừa tăng các gói kích thích tiêu dùng nội địa nhằm hỗ trợ tăng trưởng.

Ngày 20/1 (giờ Mỹ), Tổng thống Donald Trump theo dự kiến sẽ ký những quyết định hành pháp đầu tiên. Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, có thể sẽ lái dòng chảy thương mại toàn đi theo hướng mới. Việc duy trì mục tiêu tăng trưởng cao của Việt Nam, theo đó, vừa đòi hỏi những chính sách kích thích đặc biệt để thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vừa giữ sức hút FDI và giảm bớt chênh lệch thương mại song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

tmsp.jpg
Việc chỉ cần nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ đủ để Việt Nam phải đối mặt với sự giám sát thương mại gia tăng. Ảnh minh họa

Khi nào việc tăng thuế sẽ diễn ra?

Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là liệu sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump có ban hành chính sách thuế đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ và điều tra thuế, tăng cường các vụ điều tra phòng vệ thương mại ngay hay không?

Chúng tôi kỳ vọng chính quyền Trump 2.0 sẽ nhanh chóng thực hiện các cam kết tranh cử của mình ngay sau khi nhậm chức. Các chủ đề chính trong chính sách và ưu tiên của ông Trump bao gồm: “nới lỏng quy định” (deregulation), “nhập cư” (immigration), “thuế” (taxes) và “thuế quan” (tariffs). Xét đến các con đường khả thi cho từng chủ đề, bao gồm các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống, yêu cầu phê chuẩn của Quốc hội và nguy cơ bị thách thức pháp lý, chúng tôi dự báo ông Trump sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai với “nới lỏng quy định” và “nhập cư” trong 3 tháng đầu tiên. “Thuế quan” sẽ đến sau đó và trước “thuế”.

Về thuế quan, chúng tôi kỳ vọng các đợt tăng thuế sẽ áp dụng cho Trung Quốc trước tiên và sau đó mới đến các quốc gia khác (ROW). Việc áp thuế đồng loạt ngay lập tức đối với Trung Quốc và quốc gia khác là khó xảy ra. Cho đến nay, chính phủ Mỹ chủ yếu áp dụng Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 và Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, vốn tập trung vào các quốc gia hoặc sản phẩm cụ thể. Hơn nữa, thường mất từ 6-12 tháng kể từ khi công bố điều tra thương mại cho đến khi áp thuế chính thức. Do đó, chúng ta có thể chứng kiến những động thái thương mại bất ngờ trong nửa đầu năm 2025 và sau đó là việc thực thi tăng thuế vào cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026.

Ở khía cạnh tích cực, ngoại trừ Trung Quốc, chúng tôi kỳ vọng mối đe dọa thuế quan của Trump 2.0 đối với các quốc gia khác nói chung và Việt Nam nói riêng chỉ là chiến lược nhằm đạt được các thỏa thuận và nhượng bộ thương mại từ các đối tác.

Nhưng vẫn cần lưu ý chung rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump (Trump 1.0), Mỹ đã khởi xướng trung bình 78 cuộc điều tra thương mại và sau đó là áp thuế (bao gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ) mỗi năm đối với hàng hóa nhập khẩu. Con số này cao hơn lần lượt 110% so với 8 năm dưới thời Obama và 55% so với 3 năm đầu tiên của Biden. Các cuộc điều tra nhằm vào Trung Quốc trong giai đoạn này đã giúp chính quyền Trump đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn Một với Trung Quốc vào năm 2020.

Do đó, sẽ không bất ngờ nếu số lượng các vụ kiện phòng vệ thương mại tăng mạnh trở lại trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, đặc biệt khi ông tự nhận mình là “người đàn ông của thuế quan”.

Với các kịch bản áp thuế dự kiến, dù theo mức nào, tương tự như Trump 1.0, các đợt tăng thuế mới dưới thời Trump 2.0 sẽ tái cấu trúc dòng chảy thương mại và dịch chuyển các nhà máy trên quy mô toàn cầu.

Ứng phó mối nguy giám sát thao túng tiền tệ

Để ứng phó với thời kỳ tăng thuế dự kiến sẽ diễn ra, mặc dù Việt Nam như nêu trên, có thể không nằm trong mục tiêu trực tiếp với bị nhắm đến, và dưới vai trò là quốc gia hưởng lợi từ chiến lược “China+1”, Việt Nam đã thu được nhiều lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đặc biệt là dưới thời Trump 1.0; nhưng mặt trái của xu hướng này là thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam ngày càng gia tăng, đặt Việt Nam vào nguy cơ đối mặt với sự giám sát thương mại chặt chẽ hơn từ phía Mỹ. Thâm hụt thương mại giữa hai nước đã gần như tăng gấp ba lần, từ 28 tỷ USD năm 2017 – thời điểm ông Trump nhậm chức nhiệm kỳ đầu – lên 104 tỷ USD vào năm 2023. Đây là một trong ba tiêu chí khiến Bộ Tài chính Mỹ liên tục đưa Việt Nam vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ kể từ năm 2019.

vn.jpg

Chính quyền Trump 1.0 đã thường xuyên sử dụng cáo buộc thao túng tiền tệ như một công cụ để buộc các đối tác thương mại ngừng phá giá đồng nội tệ, giúp đồng USD suy yếu tương đối và cải thiện khả năng xuất khẩu của Mỹ. Tuy nhiên, tác động thực tế của biện pháp này khá hạn chế. Trung Quốc, Việt Nam và Thụy Sĩ từng bị gắn mác thao túng tiền tệ trong giai đoạn ngắn (8/2019-1/2020 và 12/2020-4/2021) nhưng không có biện pháp trừng phạt thương mại cụ thể nào sau đó.

Dù vậy, chỉ cần nằm trong danh sách giám sát của Bộ Tài chính Mỹ cũng đủ để Việt Nam phải đối mặt với sự giám sát thương mại gia tăng. Thống kê cho thấy kể từ năm 2016, 14 quốc gia trong danh sách này chiếm tới 62% tổng số vụ điều tra thương mại do Mỹ khởi xướng (bao gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp). Chúng tôi cho rằng dù duy trì lập trường trung lập thông qua chính sách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam cũng đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc điều tra thương mại và thuế quan dưới thời Trump 1.0 và sẽ tiếp tục đối mặt với mối đe dọa này dưới thời Trump 2.0.

Phân tích sâu hơn các vụ kiện gần đây, chúng tôi nhận thấy các cuộc điều tra nhắm vào một loạt sản phẩm từ mật ong thô, tôm đông lạnh, bìa hồ sơ giấy, túi mua sắm, viên nang cứng đến nhôm ép đùn, thép chống ăn mòn và tấm pin mặt trời. Giá trị nhập khẩu của các sản phẩm này dao động từ vài chục nghìn đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, điểm chung là phần lớn hoặc toàn bộ các công ty bị nhắm đến đều có liên kết với Trung Quốc. Vào ngày 01/10/2024, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết luận sơ bộ về cuộc điều tra chống trợ cấp đối với pin mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam (cùng với Campuchia, Malaysia và Thái Lan), trong đó đề xuất mức thuế chống trợ cấp gần 300% đối với bốn công ty có liên kết với Trung Quốc, trong khi mức thuế chung áp dụng cho Việt Nam chỉ là 2,85%.

Trên thực tế, cả Mỹ và Việt Nam đều đồng thuận rằng vấn đề trung chuyển hàng hóa đã làm gia tăng giả tạo kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước. Tháng 12/2019, Việt Nam và Mỹ đã ký Thỏa thuận Hỗ trợ Hải quan nhằm tăng cường hợp tác song phương về an ninh và tạo thuận lợi cho thương mại hợp pháp, đồng thời cập nhật các quy định liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Tính đến tháng 8/2024, Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đã đưa ra các biện pháp đối với 33 trường hợp lẩn tránh thuế AD hoặc CVD tại Việt Nam, trong đó khoảng 2/3 là các công ty có nguồn gốc Trung Quốc.

Do đó, dưới thời Trump 2.0, Mỹ sẽ khởi xướng thêm nhiều cuộc điều tra thương mại đối với Việt Nam, nhưng chúng tôi kỳ vọng các công ty có nguồn gốc Trung Quốc thay vì các công ty đa quốc gia hay doanh nghiệp nội địa Việt Nam sẽ là mục tiêu chính. Chúng tôi vẫn kỳ vọng thương mại quốc tế của Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức một chữ số cao trong giai đoạn 2025-2026 nhờ vào khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ và nhu cầu toàn cầu đối với hàng điện tử tiếp tục tăng cao.

Để ứng phó, Việt Nam sẽ làm gì? Đáp án rất đơn giản là cần mua thêm hàng hoá Mỹ, như khí LNG, máy bay, công nghệ, chip... và xây dựng bộ đệm.

Năm 2019, chúng ta nhớ rằng sau khi ông Trump mô tả Việt Nam là “lạm dụng” (chỉ chênh lệch thương mại song phương gia tăng kim ngạch nêu trên), Việt Nam và Mỹ đã bước vào một quan hệ đối tác hợp tác năng lượng toàn diện. Theo thỏa thuận, Tập đoàn AES của Mỹ đã trở thành nhà đầu tư chính của nhà máy điện khí LNG 2,2 GW Sơn Mỹ 2 ở Bình Thuận. Một năm sau, giấy phép đầu tư cho nhà máy điện khí LNG 3,2 GW trị giá 4 tỷ USD ở Bạc Liêu cũng được cấp cho Delta Offshore Energy, một tập đoàn năng lượng khác có trụ sở tại Mỹ. Ngoài ra, nhà máy điện khí LNG Hiệp Phước 1,2 GW cũng được thiết kế để kết nối với cảng LNG Cái Mép, thuộc sở hữu và vận hành bởi liên doanh giữa Công ty TNHH Hải Linh và Tập đoàn LNG Atlantic, Gulf và Pacific của Mỹ. Chúng tôi ước tính ba nhà máy điện khí LNG này sẽ nhập khẩu lên đến 5-6 tỷ USD LNG mỗi năm, có khả năng từ Mỹ.

Ngoài LNG, danh sách nhập khẩu còn bao gồm máy bay, thiết bị an ninh và chip AI, theo lời Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt của Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Việt Nam vào ngày 27 tháng 11 năm 2024. Những điều này sẽ giúp Việt Nam tăng nhập khẩu từ Mỹ thêm 6-7 tỷ USD mỗi năm, thu hẹp thặng dư thương mại khoảng 6% (so với thặng dư 104 tỷ USD vào năm 2023) và làm hài lòng đối tác thương mại của mình.

Chờ các gói kích thích đúng thời điểm

Ngoài ra, như chúng tôi từng đề cập, trước những bất ổn địa chính trị phát sinh từ chính quyền Trump 2.0 sắp tới và ảnh hưởng đến FDI và thương mại của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần đóng vai trò quan trọng và chủ động hơn trong việc đầu tư và tiêu dùng trong nền kinh tế nội địa.

tieudung.jpg
Mặc dù tiêu dùng nội địa còn ảm đạm, chúng tôi tin rằng sức mua trong nước vẫn bền bỉ, chỉ chờ đợi các gói kích thích đúng thời điểm. Do đó, chúng tôi kỳ vọng đầu tư cơ sở hạ tầng và tiêu dùng nội địa sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế năm 2025.

Trong đó, nếu như ở góc độ chính sách tiền tệ có giới hạn dư địa, Chính phủ đã và đang tăng tốc tận dụng, khai thác không gian tài khóa với các dự án lớn, đặc biệt là hạ tầng trọng điểm, để tăng thúc đẩy đầu tư hỗ trợ nền kinh tế. Cùng với đó, việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa đã và đang được chú trọng.

Khi nhu cầu trong nước suy yếu do cuộc khủng hoảng trái phiếu và bất động sản cuối năm 2022, xuất nhập khẩu là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024 nhờ nhu cầu bên ngoài ổn định, đặc biệt là từ Mỹ. Vào năm 2025, bức tranh kinh tế có thể sẽ đảo ngược với tiêu dùng trong nước đóng vai trò quan trọng hơn.

Cơn sốt chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cùng với việc gỡ bỏ các nút thắt cấp phép nhờ việc thực hiện ba quy định chính (bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản) sẽ dần cải thiện thị trường bất động sản hơn nữa vào năm 2025. CBRE dự báo các đợt mở bán mới sẽ tiếp tục tăng lên trong giai đoạn 2025-2026. Vì Việt Nam là thị trường dựa trên nguồn cung, các đợt mở bán này có khả năng sẽ tăng giao dịch thị trường, cải thiện thanh khoản của các nhà phát triển, thúc đẩy niềm tin thị trường và phục hồi hơn nữa trong tương lai.

Trong khi đó chúng tôi thấy sự phục hồi vững chắc của thu nhập khả dụng và niềm tin của người tiêu dùng. Hầu hết các danh mục ICT của Thế Giới Di Động (MWG), nhà bán lẻ ICT lớn nhất Việt Nam, đã trở lại tăng trưởng trong quý 3 năm 2024. Dữ liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và Hyundai Thành Công (không bao gồm Vinfast) cho thấy tiêu thụ ô tô trong nước đạt 44.000 chiếc vào tháng 11/2024, mức cao nhất trong 3 năm. Điều này một phần được hỗ trợ bởi việc giảm phí đăng ký trong giai đoạn tháng 9-11 năm 2024, cho thấy nhu cầu thực sự vẫn còn đó, sẵn sàng được thúc đẩy bởi các ưu đãi của chính phủ.

Do đó, một cú hích của Chính phủ vào thời điểm thích hợp sẽ kích hoạt hiệu ứng giàu có do tăng trưởng kinh tế tổng thể cùng với sự phục hồi nhanh chóng của thị trường bất động sản, điều này cuối cùng sẽ thúc đẩy tiêu dùng trong nước hơn nữa vào năm 2025.

Hoàng Huy, CFA & Nguyen Hoang Minh, CFA, FRM - Maybank Investment Bank