Nhân dân tệ kiên nhẫn gia tăng ảnh hưởng trong thương mại dầu mỏ
Sử dụng Nhân dân tệ trong thanh toán dầu mỏ được xem là bước đi lớn thúc đẩy quốc tế hóa đồng tiền và thách thức sự thống trị của đồng USD trong thị trường hàng hóa toàn cầu.
Sự chuyển dịch khó tránh
Theo một báo cáo từ công ty dự báo kinh tế vĩ mô Enodo Economics, sự mở rộng của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) và công nghệ tài chính của Trung Quốc đang góp phần thúc đẩy thanh toán bằng Nhân dân tệ trong thương mại dầu thô. Đồng thời đẩy nhanh sự suy giảm của petrodollars (việc sử dụng đồng USD trong thanh toán dầu mỏ xuyên biên giới). Tuy nhiên, việc thay thế hoàn toàn hệ thống petrodollars vẫn chưa có khả năng xảy ra trong tương lai gần.
Báo cáo nhấn mạnh sự suy giảm của petrodollars là không thể tránh khỏi, chỉ là khi nào sẽ xảy ra, nhưng dường như thời điểm này đến nhanh hơn so với dự đoán của nhiều người. Bà Diana Choyleva, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Enodo Economics nhận định: “Những thay đổi nhanh chóng trong công nghệ tài chính đang thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, bà cũng chỉ ra rằng dù đồng Nhân dân tệ trong vai trò “petroyuan” có thể gia tăng tầm ảnh hưởng, nhưng khó có khả năng thay thế hoàn toàn petrodollar trong tương lai gần.
Petroyuan - thuật ngữ chỉ việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán dầu mỏ xuyên biên giới được xem là bước đi cần thiết để thúc đẩy quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và thách thức sự thống trị của đồng USD trong thị trường hàng hóa toàn cầu. Là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng tài chính độc lập nhằm giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống dựa trên đồng USD, đồng thời khắc phục những điểm yếu tiềm ẩn.
Các hệ thống như Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) và việc tích hợp đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trên nền tảng mBridge - nơi tập trung các loại tiền kỹ thuật số được ngân hàng trung ương hỗ trợ, đã mang lại những lựa chọn thay thế ưu việt cho các nhà sản xuất dầu mỏ, theo báo cáo của Enodo.
Tháng 10/2023, Trung Quốc đã hoàn thành giao dịch thanh toán dầu thô xuyên biên giới đầu tiên bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số với PetroChina International khi mua 1 triệu thùng dầu bằng e-CNY.
Thách thức đối với hệ thống petrodollars
Mặc dù công nghệ mới tạo ra những cơ hội hấp dẫn, hệ thống định giá dầu dựa trên đồng USD vẫn giữ được sức mạnh nhờ khuôn khổ pháp lý và thể chế rộng lớn của Mỹ. Điều này khiến việc tách rời hoàn toàn khỏi petrodollars trở nên phức tạp và tốn kém. Do đó, hầu hết các quốc gia có xu hướng lựa chọn thay thế một phần thay vì hoàn toàn.
Đơn cử như Ả Rập Xê Út, trung tâm của các quốc gia sản xuất dầu mỏ đang từng bước mở rộng thanh toán bằng Nhân dân tệ, trong khi vẫn duy trì cấu trúc cốt lõi của hệ thống petrodollars. Theo bà Choyleva nhận định, điều này phù hợp với sự ưu tiên của Ả Rập Xê Út trong việc cân bằng mối quan hệ nhưng vẫn đạt được các mục tiêu kinh tế.
Dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy thanh toán xuyên biên giới bằng đồng Nhân dân tệ đã tăng 23% so với năm trước, đạt 64.000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 8.700 tỷ USD) vào năm 2024. Đồng thời, đồng Nhân dân tệ đã vươn lên vị trí thứ tư trong bảng xếp hạng toàn cầu về tỷ lệ thanh toán quốc tế, với 3,89% thị phần vào tháng 11 vừa qua.
Các sáng kiến như Tầm nhìn 2030 của Ả Rập Xê Út đã thúc đẩy mối quan hệ công nghiệp và công nghệ giữa các quốc gia vùng Vịnh và Trung Quốc, tạo ra những đầu ra tự nhiên cho doanh thu dầu mỏ được tính bằng Nhân dân tệ.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Các quốc gia Ả Rập năm ngoái, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã khuyến khích các ngân hàng Ả Rập tham gia hệ thống CIPS của Trung Quốc và tham gia các sáng kiến về đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Điều đó cho thấy cách tiếp cận kiên nhẫn và có hệ thống đối với việc tích hợp tài chính của cường quốc này.
Báo cáo của Enodo Economics kết luận rằng Trung Quốc dường như ưu tiên “tùy chọn thay vì tính độc quyền” trong chiến lược phát triển petroyuan. Việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ được xem là một lựa chọn trong số nhiều giải pháp, thay vì một yêu cầu bắt buộc, cho thấy tầm nhìn dài hạn, ưu tiên sự tiến bộ bền vững hơn là những thay đổi mạnh mẽ nhưng tiềm tàng bất ổn.
Bà Choyleva kết luận: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và công nghệ tài chính phát triển, sự chuyển dịch từ petrodollars sang petroyuan có thể chỉ mới bắt đầu, nhưng tác động của nó chắc chắn sẽ định hình lại thị trường năng lượng trong nhiều thập kỷ tới”.