Phát triển bền vững trong kỷ nguyên AI
AI nên được xem là người đồng hành với mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Hãy giao cho AI những công việc được thực hiện tốt hơn con người.
Ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch FPT Education cho biết:
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước tham gia vào nhiều ngành nghề, nhiều công việc và bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp. Từ marketting, sale, tài chính đến giáo dục, đào tạo, thậm chí cả những vị trí công việc quản lý, điều hành doanh nghiệp. AI vì thế đang khiến người lao động bị mất việc dễ dàng hơn.
Trong kỷ nguyên AI, việc chuyển đổi, thay đổi là không thể tránh được, đòi hỏi các doanh nghiệp cùng đội ngũ nhân sự phải đầu tư và hành động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trí tuệ cảm xúc… Đây thực sự là thách thức.
Tuy nhiên, cũng có 3 điều AI chưa thể nào cạnh tranh được với con người trong tương lai gần. Đó là sự tò mò khám phá, tính sáng tạo và trí tuệ cảm xúc. AI không có cách nào thay thế được cái vỗ vai, cái bắt tay của con người với nhau hay những ánh mắt nhìn nhau.
Vì vậy, nên xem AI là cánh tay nối dài của trí tuệ con người và trở thành người đồng hành với mỗi con người, mỗi nhân sự, mỗi doanh nghiệp. Và, hãy giao cho AI những công việc mà công nghệ thực hiện tốt hơn con người thay vì “đọ sức” hơn AI.
Từ góc độ doanh nghiệp, chúng ta đều thấy không ít công ty nhận thức tầm quan trọng của AI để đầu tư nguồn lực lớn và “đặt cược” tương lai vào công nghệ hiện đại này với mong muốn qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ, gia tăng lợi nhuận.
Để đồng hành và phát triển bền vững cùng AI, mỗi nhân sự, mỗi cá nhân, tổ chức không chỉ cần có một “trợ lý AI” mà còn cần thêm một “người thầy AI” để hỗ trợ học tập và phát triển công việc. Tương lai của xã hội không chỉ phụ thuộc vào việc chấp nhận AI mà còn là khả năng sáng tạo, cảm xúc và sự tò mò của con người.
Trong một thế giới mà AI có thể giải quyết các công việc trí tuệ thì lần đầu tiên, khái niệm "un-learn" và "re-learn" được đề cập và nhấn mạnh như một sự khác biệt với các giai đoạn trước đó. Khái niệm trên gắn liền với những hành động chuyển đổi, thay đổi; gắn liền với việc mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp phải tái tư duy. Đây cũng chính là những chìa khóa cho sự tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên AI.
Từ đó, mỗi nhân sự, nhất là nhân sự trẻ, cần có một tư duy độc lập, suy nghĩ mới; luôn học hỏi và phát triển kỹ năng, năng lực phản biện, sử dụng thành thạo và cập nhật các ứng dụng AI để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cách mạng AI.