Gỡ “nút thắt” thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam
Ngành công nghiệp dữ liệu Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội bứt phá. Nhưng còn không ít "nút thắt" cần tháo gỡ để thúc đẩy phát triển ngành này.
Năm 2025 được xem là thời điểm đánh dấu bước ngoặt chuyển mình của kinh tế Việt Nam, từ quy mô GDP đến cấu trúc ngành, nghề. Trong đó, ngành kinh tế dữ liệu được dự báo sẽ bật lên trở thành mũi nhọn.
Luật Viễn thông sửa đổi không hạn chế đầu tư nước ngoài vào việc cung cấp dịch vụ kỹ thuật số, cho phép các doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, luật cho phép cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới. Đây được xem là bước ngoặt thể chế với kinh tế dữ liệu.
Đối với Việt Nam, luật mới mở ra những con đường mới cho đầu tư vào ngành trung tâm dữ liệu, cho phép thừa hưởng chuyên môn và nguồn lực toàn cầu. Động thái này dự kiến sẽ nâng cao cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam, kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm mới trong lĩnh vực kỹ thuật số.
Theo dự báo của Research and Markets, ngành công nghiệp dữ liệu Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,03 tỷ đô la Mỹ vào năm 2028, tăng mạnh so với mức 561 triệu đô la Mỹ được ghi nhận vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%.
Tính đến hết năm 2024, Việt Nam có gần 90 triệu người sử dụng Internet, 97% sở hữu điện thoại thông minh. Ngoài ra, sự phát triển của thương mại điện tử, chính quyền số… đã tạo ra nguồn dữ liệu khổng lồ. Nhưng số lượng trung tâm dữ liệu hiện tại ở Việt Nam chỉ có thể đáp ứng tối đa 30% nhu cầu.
Hiện nay, các công ty viễn thông trong nước hiện đang “thống trị” thị trường trung tâm dữ liệu phải kể đến như: VNPT, CMC Telecom, Viettel IDC, FPT Telecom, CMC, VNG Corporation (VNG).
Nhìn thấy tiềm năng, các công ty công nghệ lớn như Alibaba đã công bố kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, trong khi AWS và Google cũng đang tìm hiểu các cơ hội để mở rộng dịch vụ đám mây.
Theo JLL, với tiềm năng trên, việc Google, Amazon, Microsoft, Tencent đầu tư trung tâm dữ liệu riêng tại Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian. Suất đầu tư 2 trung tâm nghiên cứu và phát triển của Nvidia là “cú hích” rất mạnh thu hút thêm nhiều doanh nghiệp lớn.
Tuy vậy, theo khuyến nghị của các chuyên gia cũng như doanh nghiệp quốc tế Việt Nam, cần đảm bảo nguồn cung cấp điện đáng tin cậy. Bởi vì, các trung tâm dữ liệu cần nguồn năng lượng ổn định và mạnh mẽ để duy trì hoạt động.
Trang thông tin kinh doanh hàng đầu Đông Nam Á “ASEAN Briefing” cho rằng: “Mặc dù Luật Viễn thông sửa đổi đơn giản hóa đầu tư nước ngoài, nhưng việc điều hướng bối cảnh pháp lý rộng hơn ở Việt Nam vẫn có thể là một thách thức”. Chẳng hạn như, việc chậm trễ về mặt thủ tục hành chính, việc thực thi các quy định không nhất quán, những thách thức trong việc xin các giấy phép cần thiết...
Một thách thức khác là phát triển lực lượng lao động có tay nghề có khả năng hỗ trợ ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu. Khi ngành này phát triển, nhu cầu về các chuyên gia có chuyên môn về quản lý trung tâm dữ liệu, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng mạng sẽ ngày càng tăng.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam phải đầu tư mạnh vào các chương trình giáo dục và đào tạo để xây dựng lực lượng lao động có thể đáp ứng những nhu cầu này; nếu không, Việt Nam sẽ có nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.
Việc mở rộng cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng sẽ đòi hỏi đầu tư đáng kể, sự phối hợp giữa khu vực công và tư nhân, và áp dụng các công nghệ tiên tiến để đảm bảo hiệu quả và tính bền vững.
Mẫu hình thành công với trung tâm dữ liệu tại Singapore và Malaysia cho thấy, phần lớn là nhờ cơ sở hạ tầng tiên tiến, môi trường kinh doanh thuận lợi và khuôn khổ pháp lý chặt chẽ.