Doanh nghiệp kỳ vọng xuất khẩu gạo khởi sắc năm 2025
Cùng với nhiều thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo tại Nghị định 01/2025/NĐ-CP, doanh nghiệp kỳ vọng một năm mới khởi sắc.
Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo vừa được Chính phủ ban hành được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động xuất khẩu gạo khởi sắc hơn.
Theo đó, Nghị định 01 được đánh giá bổ sung nhiều điều khoản nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo. Nói như TS Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương, gạo là một trong những mặt hàng rất quan trọng và đặc biệt của nền kinh tế vì không chỉ mang lại thành tích cho hoạt động xuất khẩu, mang về ngoại tệ cho đất nước mà còn liên quan đến đời sống và thu nhập của người nông dân.
“Năm 2025, Nghị định ban hành đầu tiên của Chính phủ là Nghị định 01/2025/NĐ-CP ngày 1/1/2025 về kinh doanh, xuất khẩu gạo. Điều này thể hiện sự quan tâm rất lớn của Chính phủ đối với hoạt động xuất khẩu gạo. Tại Nghị định này, Chính phủ đã đề ra các giải pháp quản lý rõ ràng, mạch lạc hơn về tình hình xuất khẩu gạo nhằm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Đồng thời điều tiết giá gạo, đảm bảo chất lượng gạo, đặc biệt là xây dựng thương hiệu gạo. Đây là các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo thời gian tới. Với sự quan tâm này, hy vọng hoạt động xuất khẩu gạo sẽ có được kết quả tốt trong năm 2025”, TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Cụ thể, Nghị định nêu rõ, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hàng năm cho chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với gạo và sản phẩm chế biến từ gạo. Việc dành nguồn vốn ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo trong bối cảnh hoạt động này gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, Nghị định số 01 sửa đổi định kỳ trước ngày 5 hàng tháng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo Bộ Công Thương, Sở Công Thương nơi thương nhân có trụ sở chính, có kho, có cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo đồng thời sao gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về lượng thóc, gạo thực tế tồn kho của thương nhân theo từng chủng loại cụ thể để tổng hợp số liệu phục vụ công tác điều hành. Đây là điều khoản sẽ giúp thương nhân giảm bớt thời gian, công sức thực hiện báo cáo.
Bên cạnh việc tạo thuận lợi, cơ quan chức năng cũng cũng tiếp tục đưa hoạt động xuất khẩu gạo vào khuôn khổ. Theo đó, Nghị định 01 bổ sung thêm quy định là trường hợp sau 45 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương ban hành văn bản đôn đốc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo mà Bộ Công Thương không nhận được báo cáo của thương nhân theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 24 Nghị định này thì thương nhân sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Như vậy, thương nhân tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo cần phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong công tác xuất khẩu và công tác báo cáo với cơ quan chức năng, tránh trường hợp doanh nghiệp lấy lý do để trốn tránh việc báo cáo với cơ quan chức năng.
Nghị định mới cũng nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành trong việc điều hành xuất khẩu gạo như: yêu cầu Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình phát triển hoạt động ngoại thương, xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu gạo Việt Nam, đảm bảo tính chủ động, có trọng tâm, trọng điểm trong quản lý, điều hành mặt hàng gạo và sản phẩm chế biến từ gạo.
Đặc biệt, với các giải pháp hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như Nghị định 01 đề ra, các doanh nghiệp được cho là sẽ tận dụng thời cơ, đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để hạt gạo ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường thế giới.
Trên thực tế, xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 9,18 triệu tấn, thu về 5,75 tỷ USD, tiếp tục lập kỷ lục mới cả về sản lượng và kim ngạch, giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, sau Tết Nguyên đán khi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Đông Xuân, nguồn cung tăng lên, thị trường lúa gạo sẽ tăng dần nhịp độ giao dịch. Giá lúa gạo thế giới và nội địa dự báo sẽ giảm so với năm 2024 vì cạnh tranh thị phần xuất khẩu giữa các nước ngày càng tăng.
Mặc dù vậy ông Phạm Thái Bình cũng nhấn mạnh, sản lượng lúa gạo Ấn Độ lớn nhưng ít cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam bởi cơ cấu giống và chất lượng khác nhau. Đặc biệt, ở phân khúc cao cấp, gạo Việt đã được khách hàng công nhận với nhiều giống đặc sản như ST24, ST25, Jasmine,... Doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng không ngại cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan hay Campuchia nhưng rất sợ tình trạng doanh nghiệp trong nước “phá giá” tự triệt tiêu lẫn nhau để giành đơn hàng, khách hàng nhưng sau đó giao hàng không đạt chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu gạo Việt Nam.
Doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng Bộ Nông nghiệp và các địa phương đẩy nhanh việc thực hiện Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp để có nguồn cung gạo chất lượng cao, đồng đều và bền vững.
Khi đó, doanh nghiệp yên tâm đa dạng hoá thị trường, mở rộng thị phần phân khúc cao cấp không chỉ ở EU mà cả với Nhật Bản, Trung Quốc và Trung Đông.
Việc tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao không chỉ giúp khẳng định vị thế gạo Việt Nam mà còn là cơ sở để doanh nghiệp chủ động đàm phán về giá bán tương xứng với giá trị, giảm áp lực giá từ thị trường lương thực dự trữ.