Tạo lập môi trường thuận lợi hơn cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Các chuyên gia cho rằng, cần xây dựng cơ chế đặc thù để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo quốc gia.
Trong những năm qua, thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhờ đó, nền khoa học, công nghệ nước nhà đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, thiết thực góp phần vào công cuộc phát triển đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trên thực tế một số chính sách còn chậm được thể chế hóa hoặc chưa được thể thể hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật; hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ chưa đảm bảo tính thống nhất, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn; nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu của khoa học, công nghệ; chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học còn nhiều hạn chế…
Trước những hạn chế đó, GS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh (UEH) và nhóm nghiên cứu UEH nhận định, quá trình khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam đến lúc này cũng chỉ mới gọi là hơi mạnh vì các chủ trương, kế hoạch nằm trên giấy nhiều hơn là đi vào thực tiễn. Hơn nữa, xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp so với điều kiện của thế giới, đặc biệt là hành lang pháp lý.
Việt Nam chưa tạo ra được những thể chế để bảo vệ các doanh nghiệp dám tiên phong đi đầu trong việc đổi mới mô hình kinh doanh, chuyển đổi mô hình kinh doanh áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy đầu tư rất manh mún, không đồng bộ, và đặc biệt là không có đủ nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh như vậy, có 3 vấn đề then chốt cần tập trung tháo gỡ. Thứ nhất, Việt Nam cần phải tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp với tình hình mới. Hành lang pháp lý này phải có ý nghĩa trong việc bảo vệ, tạo ra sự an toàn cho những người dám tiên phong đi đầu. Thứ hai, đó là về nguồn lực. Thứ ba, cần chuẩn bị cho những kịch bản xấu.
“Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm như khi phát triển thị trường chứng khoán xảy ra bong bóng giá tài sản, khi phát triển thị trường trái phiếu có quả bom nợ 4 triệu tỷ đồng. Vì vậy, khi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng phải dự báo những rủi ro về khủng hoảng số, có thể đến từ tấn công mạng, đến từ thao túng dữ liệu, đến từ những kịch bản chiến đấu trên không gian mạng quy mô lớn ở tầm quốc gia. Nói cách khác, phát triển kinh tế số để bền vững, để tạo ra tác động tích cực cần phải chuẩn bị cho những kịch bản xấu nhất để phòng ngừa rủi ro”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong ba đột phá chiến lược, tạo cơ sở pháp lý, môi trường an toàn, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ và toàn diện. Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực triển khai xây dựng 4 dự án luật/hồ sơ đề nghị xây dựng luật (bao gồm Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật của Bộ, của ngành khoa học công nghệ, được thực hiện trong thời gian dài với trình tự, thủ tục gồm nhiều bước, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
“Thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo những định hướng trọng tâm”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Được biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Nghị quyết này được đánh giá như một mũi nhọn tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn từ nhận thức chung đến thể chế, từ đó, giải phóng sức sáng tạo, sức lao động, giải phóng nguồn lực đầu tư của toàn xã hội cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số...