Nghiên cứu - Trao đổi

Chính sách thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 02/02/2025 04:00

Nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh.

Thực tế cho thấy, chuyển đổi xanh là đòi hỏi bắt buộc của doanh nghiệp để đáp ứng theo xu hướng trên thị trường. Song, chuyển đổi xanh cũng đã và đang tạo ra những cạnh tranh, thách thức rất lớn cho doanh nghiệp. Trên lộ trình giảm phát thải, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối diện với những thách thức. Chia sẻ về những thách thức trong quá trình chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Vũ Hùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group cho biết, quá trình triển khai doanh nghiệp nhận được nhiều sự trợ giúp từ các chính sách, chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng mang lại thử thách, và thử thách này có thể bị khuếch đại nhiều lần đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực hạn chế. Chi phí đầu tư cho công nghệ, chi phí đầu vào của sản xuất khiến giá thành sản phẩm tăng cao so với truyền thống, và không phải thương hiệu nào cũng sẵn sàng chi trả cho khoản chênh lệch này.

QTU_0060 (1)
Chuyển đổi xanh là đòi hỏi bắt buộc của doanh nghiệp để đáp ứng theo xu hướng trên thị trường.

“Tại PPJ Group, 5 năm qua đã đầu tư tới hàng chục triệu USD cho chuyển đổi xanh. Con số này sẽ chưa dừng lại. Chi phí chuyển đổi rất lớn nhưng cái giá cho chậm chuyển đổi và không chuyển sẽ lớn hơn nhiều lần", ông Đặng Vũ Hùng cho biết.

Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp đề nghị, Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh, chẳng hạn như giảm thuế, ưu đãi thuế và hỗ trợ tài chính. Trước hết, cần xây dựng chính sách ưu đãi thuế và đầu tư nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh. Ví dụ như chính sách tín dụng xanh được đẩy mạnh thông qua các kênh cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, công nghệ tái chế... Các chính sách ưu đãi thuế theo hướng chú trọng, khuyến khích đầu tư, sản xuất theo công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng và hỗ trợ cho việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Xây dựng chính sách thuế tài nguyên áp dụng cho các doanh nghiệp và dự án có những đóng góp tích cực đối với môi trường. Đồng thời, Chính phủ cũng có thể tạo lập các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo và công nghệ xanh, với nguồn tài trợ từ cả trong và ngoài nước.

Ngoài ra, cần khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới công nghệ để nâng cao năng suất, tiết kiệm nguyên liệu, cũng như sản xuất các sản phẩm hữu cơ thân thiện với môi trường, giúp bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Những nỗ lực này không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học mà còn tạo thêm việc làm cho các khu vực nông thôn. Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ nông trại, nông dân và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, như cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho việc duy trì canh tác hữu cơ, triển khai các chương trình giáo dục và tư vấn, hỗ trợ quảng bá và chế biến sản phẩm hữu cơ…

QTU_0358 (2)
Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống chính sách và thiết lập các cơ chế khuyến khích nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh tế xanh.

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh, việc đầu tiên là cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, bao gồm việc rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để thay đổi cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn... Các tiêu chuẩn phân loại xanh, danh mục dự án xanh, quy định tín dụng/trái phiếu xanh, các thiết kế về dòng vốn trung và dài hạn cần được ban hành sớm và hướng dẫn tổ chức thực hiện, triển khai nhanh chóng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết, phù hợp.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Quách Quang Đông, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019 - 2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021 - 2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050. Các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải quyết liệt đổi mới tư duy, đổi mới chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh”, ông Đông nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Đông cho rằng, để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần phát huy, hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn