Nghiên cứu - Trao đổi

FTA Index: Động lực nâng cao hiệu quả thực thi các FTA

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn 03/02/2025 04:00

Quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi một công cụ đo lường hiệu quả để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng tối đa cơ hội của các FTA.

Thời gian qua, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, UKVFTA… đã mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam tăng trưởng và đa dạng hoá thị trường xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài, mang lại những tác động tích cực đối với phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy, công tác thực thi và tận dụng các FTA còn chưa đồng đều giữa các địa phương. Điều đó đòi hỏi cần có sự đo lường, đánh giá và những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa từ các cơ quan quản lý thực thi FTA của trung ương và địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để có thể gia tăng hơn nữa cơ hội từ các FTA mang lại.

QT1_5329 (1)
Thực tiễn cũng cho thấy, công tác thực thi và tận dụng các FTA còn chưa đồng đều giữa các địa phương.

Từ năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng Đề án Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index). Các chỉ số đo lường của FTA Index không chỉ là cơ sở để doanh nghiệp, địa phương tự “soi mình”, đánh giá về kết quả của quá trình thực hiện, tận dụng FTA mà còn hỗ trợ doanh nghiệp tối đa từ khâu sản xuất đến khi bán hàng, xuất khẩu, góp phần duy trì được chuỗi giá trị đối với hoạt động của doanh nghiệp.

Nêu quan điểm về vấn đề này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) nhận định, sự ra đời Bộ chỉ số FTA Index là rất thiết thực, sẽ bổ sung thêm cùng với các bộ chỉ số khác để đánh giá quá trình phát triển, quá trình cải cách, quá trình thích ứng, phản ứng của các bên liên quan, nhất là các doanh nghiệp trong bối cảnh mới là một điều rất tích cực và rất đáng khích lệ. Đây cũng là một sự chuyển biến rất căn bản trong điều hành, trong cách làm chính sách, trong các văn bản, nhất là nghị quyết của Đảng, Chính phủ khi làm cái gì cũng phải đo lường được.

QT2_9019 (1)
Quá trình hội nhập sâu rộng hiện nay đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi một công cụ đo lường hiệu quả để doanh nghiệp Việt có thể tận dụng tối đa cơ hội của các FTA.

Theo TS Võ Trí Thành, các bên liên quan, không chỉ Trung ương, chính quyền địa phương mà còn các doanh nghiệp, những người chịu tác động của các chính sách, các cam kết quốc tế này sẽ thấy mình đã tận dụng được tốt chưa và cái chưa tốt nằm ở đâu. Bộ chỉ số này soi chiếu với các mục đích để các địa phương nhìn nhận lại, học hỏi các địa phương hoặc nơi khác, tạo ra chuyển biến tích cực, chuyển biến có ý nghĩa trong việc thực thi và mở cửa hội nhập.

“Tuy nhiên, FTA Index không phải là liều thuốc vạn năng để giải quyết được tất cả các vấn đề chúng ta vấp phải. Nhưng nó rất có ý nghĩa nếu chúng ta soi xét và đừng nhìn nó hời hợt, bởi Bộ chỉ số không phải chỉ là con số, đằng sau là chỗ đứng, là những chiều cạnh cụ thể các doanh nghiệp cần, chính quyền cần, các bên liên quan cần để hoàn thiện, để tận dụng tốt hơn FTA cho cải cách, cho xuất khẩu, cho hoạt động kinh tế đưa nước ta đi lên, đấy là một điều rất quan trọng”, TS Võ Trí Thành khẳng định.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, trong quá trình thực thi các FTA, Việt Nam vẫn chưa tận dụng được tối đa hiệu quả mà FTA mang lại, đơn cử là tỷ lệ tận dụng ưu đãi còn rất hạn chế và doanh nghiệp chủ yếu làm các sản phẩm thô. Hơn nữa, ở các địa phương, mặc dù đã có nhiều quan tâm, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tận dụng các FTA, tuy nhiên còn khiêm tốn, do nguồn nhân lực ở nhiều nơi còn rất mỏng, chưa được đào tạo một cách bài bản về chuyên môn.

“Chúng ta rất thiếu một cơ chế chi tiết, minh bạch, cụ thể và liên tục để đo lường kết quả thực thi FTA, từ đó đưa ra những giải pháp có sự thay đổi liên tục, tức là kế hoạch thực thi đặt ra một kế hoạch dài hơi nhưng mỗi một bối cảnh chính trị, kinh tế thay đổi đòi hỏi các cơ quan cấp Trung ương, cơ quan cấp địa phương phải có những giải pháp một cách cụ thể và thiết thực hơn đối với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để hỗ trợ họ có thể tận dụng hiệu quả các FTA này. Việc ra đời FTA Index là bước đầu tiên trong quá trình thúc đẩy việc tận dụng hiệu quả các FTA. Bảng xếp hạng sẽ là công cụ giúp các tỉnh, thành phố nhìn nhận, hoàn thiện hơn nữa”, bà Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh.

Bài: Yến Nhung - Ảnh: Quốc Tuấn