Kỳ vọng Luật sửa đổi 9 Luật: Thúc đẩy phòng chống tham nhũng, lãng phí
Không chỉ giải quyết các vướng mắc phát sinh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán trong Luật sửa đổi 9 Luật được cho sẽ thúc đẩy phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Là một trong 9 Luật được sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi 9 Luật). Những sửa đổi, bổ sung của Luật Kế toán lần này đem đến nhiều kỳ vọng.
Đòi hỏi từ thực tế
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 có hiệu lực từ năm 2017 đã tiếp cận hơn các nguyên tắc, thông lệ chung về kế toán, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam; tạo cơ sở cho việc hoàn chỉnh khung pháp lý đầy đủ về kế toán theo hướng tiếp cận hơn các thông lệ quốc tế. Đồng thời, đã hỗ trợ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện công tác kế toán phù hợp, hiệu quả.
Tuy nhiên, sau hơn 7 năm thực hiện, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định để đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước và thực tiễn thực hiện.
Với mục tiêu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; đảm bảo sự nhất quán và phù hợp với các quy định khác của pháp luật. Luật (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung quy định làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán của Bộ Tài chính; sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý trong lĩnh vực kế toán của các bộ, ngành khác. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung quy định về phân cấp phân quyền, làm rõ chức năng quản lý Nhà nước của UBND cấp tỉnh.
Bên cạnh đó, Luật (sửa đổi) cũng bổ sung trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong khu vực thi công thực hiện các nhiệm vụ; ký tên trên sổ kế toán, báo cáo tài chính, bảo quản lưu trữ tài liệu kế toán, tổ chức bộ máy kế toán tại đơn vị; bổ sung quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người làm công tác kế toán…
Theo Bộ Tài chính, việc xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài chính, cơ quan ngang bộ và các địa phương theo hướng dẫn phân cấp các công việc phù hợp với đặc điểm quản lý, tổ chức hoạt động giúp cho các quy định pháp luật về kế toán được triển khai phù hợp và hiệu quả hơn. Các nội dung hướng dẫn, biện pháp tổ chức điều hành đảm bảo kịp thời, phù hợp với từng đơn vị, địa phương, giúp các quy định pháp luật dễ đi vào cuộc sống; các phản ánh khó khăn, vướng mắc được tiếp nhận và giải quyết kịp thời. Việc phân cấp, phân quyền công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát với việc phân cấp phù hợp với nguồn lực của các cơ quan quản lý sẽ đảm bảo sâu sát, hiệu quả và đúng mục tiêu.
Đặc biệt, việc quy định trách nhiệm người đứng đầu giúp nâng cao trách nhiệm, tạo điều kiện để xử lý vi phạm khi buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, giúp người làm kế toán giảm bớt rủi ro nghề nghiệp, yên tâm công tác và mạnh dạn có ý kiến khi phát hiện các chỉ đạo của cấp trên sai nguyên tắc và đạo đức nghề nghiệp.
Đáp ứng yêu cầu quản lý
Nhìn nhận về nội dung Luật (sửa đổi), không ít ý kiến cho rằng, việc luật hóa trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm của kế toán là rất cần thiết trong quá trình xử lý các sai phạm của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề tài chính, tham nhũng và chấp hành các chính sách thuế.
Theo nhóm tư vấn của Diễn đàn Kế toán doanh nghiệp Việt Nam, hiện nay, các quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tại các luật liên quan chưa rõ ràng và thống nhất. Cụ thể, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện đang sử dụng các thuật ngữ “người đứng đầu”, “cấp phó của người đứng đầu”. Trong khi đó, Luật Lao động sử dụng thuật ngữ “người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân và người được ủy quyền theo quy định pháp luật” và Luật Kế toán 2015 chỉ quy định các nội dung liên quan đến người đại diện theo pháp luật.
Vì thế, khi sửa đổi Luật Kế toán, việc bổ sung các quy định theo hướng xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc tuân thủ Luật Kế toán và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đơn vị là rất cần thiết để giảm áp lực chịu trách nhiệm đối với người làm kế toán khi người đứng đầu buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, đồng thời phòng chống tham nhũng, lãng phí tại các cơ quan, đơn vị, nhất là khu vực công.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc đưa vào Luật Kế toán (sửa đổi) những quy định này giúp cho hiệu quả thực thi các chuẩn mực đạo đức kế toán được nâng cao hơn. Khi Luật Kế toán mới được ban hành thì những quy định cụ thể này sẽ tích hợp đồng bộ được với các pháp lý về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm như các quy định đã được Chính phủ luật hóa tại Nghị định số Nghị định 73/2023/NĐ-CP.
Ngoài những vấn đề đã nêu, trước đó, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc bổ sung các quy định liên quan đến hạch toán theo giá trị hợp lý và lưu trữ chứng từ, sổ kế toán trên phương tiện điện tử không chỉ giúp hoạt động kế toán tại Việt Nam minh bạch thông tin, mà còn phù hợp các chuẩn mực kế toán quốc tế.