Nghiên cứu - Trao đổi

Đột phá Luật sửa đổi 4 Luật: Đơn giản hóa các trình tự, thủ tục quy hoạch

Gia Nguyễn 01/02/2025 04:30

Với nhiều quy định nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch được cho sẽ giúp đơn giản hóa các trình tự, thủ tục về quy hoạch.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa đổi 4 Luật) đã được Quốc hội chính thức thông qua ngày 29/11/2024 chính thức có hiệu lực thi hành từ 15/01/2025. Trong đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch được cho sẽ giúp đơn giản hóa các trình tự, thủ tục về quy hoạch.

dot-phat-luat-quy-hoach-t7.1.jpg
Luật sửa đổi 4 Luật đem đến nhiều kỳ vọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch - Ảnh minh họa: ITN

Tăng phân cấp, phân quyền

Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch nhằm tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm đáp ứng cao nhất yêu cầu của thực tiễn phát triển, đặc biệt là phân quyền cho địa phương với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Luật đã phân quyền quyết định điều chỉnh theo trình tự, thủ tục rút gọn quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng cho Bộ trưởng được giao tổ chức lập quy hoạch và quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh; phân quyền ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia cho Bộ trưởng và quy hoạch tỉnh cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, Luật cũng đã đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp bách, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Luật đã bổ sung quy định điều chỉnh quy hoạch theo trình tự, thủ tục rút gọn, không làm thay đổi quan điểm và mục tiêu của quy hoạch; bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định giữa các quy hoạch Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Không chỉ có vậy, để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các quy hoạch, đồng thời đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, Luật cũng đã sửa đổi các nội dung để đơn giản hóa các trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Đồng thời, để bảo đảm sự linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, phản ánh đúng tính chất định hướng của quy hoạch, xóa bỏ rào cản trong đầu tư kinh doanh, Luật đã sửa đổi quy định “Danh mục dự án” thành “Danh mục dự kiến” các dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Nhìn nhận xoay quanh nội dung Luật sửa đổi, bổ sung lần này, nhiều ý kiến bày tỏ đồng thuận với việc điều chỉnh trình tự thủ tục rút gọn đối với Luật Quy hoạch, bởi trong thực tiễn có nhiều tình huống, nếu chỉ thực hiện đầy đủ tất cả quy trình thủ tục như Luật Quy hoạch hiện hành sẽ gây ra những ách tắc.

dot-phat-luat-quy-hoach-t7.2.jpg
Những sửa đổi, bổ sung của Luật này được cho sẽ giúp đơn giản hóa các trình tự, thủ tục về quy hoạch - Ảnh minh họa: ITN

Bảo đảm thống nhất với pháp luật có liên quan

Theo thông tin từ cơ quan soạn thảo, việc xây dựng Luật sửa đổi 4 Luật, nhằm giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cấp thiết trong thực tiễn triển khai liên quan đến công tác quy hoạch, thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và hoạt động đấu thầu. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Đặc biệt, về sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch như quy định quy hoạch đô thị và nông thôn là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; làm rõ quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành là quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; xác định rõ mối quan hệ giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, thứ bậc của hệ thống quy hoạch.

Cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch. Bổ sung trình tự, thủ tục rút gọn trong điều chỉnh quy hoạch để đáp ứng yêu cầu trong những trường hợp cấp bách và không thay đổi quan điểm, mục tiêu quy hoạch (như để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính và thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…).

Phân quyền cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh để nâng cao trách nhiệm, tính chủ động, linh hoạt của cấp tỉnh trong tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch và quy định cụ thể sự tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch.

Nhìn nhận về việc sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch tại Luật sửa đổi 4 Luật, nhiều ý kiến cho rằng, việc hoàn thiện, sửa đổi, chỉnh lý một số khái niệm, thuật ngữ và một số nội dung có tính chất kỹ thuật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đã và đang phát sinh trong thực tiễn.

Trước đó, liên quan về những nội dung này, trình bày Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, quán triệt tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý lược bỏ cơ bản các nội dung quy định cụ thể, chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Đồng thời, việc điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia cần tuân thủ các căn cứ, điều kiện cụ thể được quy định tại Luật Quy hoạch, không quy định việc điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia theo trình tự, thủ tục rút gọn tại các luật chuyên ngành.

“Điều này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, kế thừa và hệ thống giữa các quy hoạch, tránh điều chỉnh tùy tiện, ảnh hưởng đến quan điểm, mục tiêu của quy hoạch”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bày tỏ.

Gia Nguyễn