Đột phá Luật sửa đổi 4 Luật: Rút ngắn thời gian triển khai dự án
Không chỉ đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, những sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư còn được cho sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, khi rút ngắn thời gian triển khai dự án…
Cùng với Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Luật Đầu tư trong Luật sửa đổi 4 Luật về đầu tư, đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, có hiệu lực thi hành từ 15/01/2025 được cho sẽ tạo ra những bước đột phá. Không chỉ đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp trong thực hiện triển khai dự án.
Điểm nhấn đáng chú ý
Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư đã phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; dự án đầu tư xây dựng cảng biển đặc biệt có quy mô dưới 2.300 tỷ đồng và dự án thuộc khu vực bảo vệ của di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt nhằm tăng cường phân quyền, tinh giản quy trình, thủ tục, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án này.
Đồng thời, bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế theo hướng chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm."
Không chỉ có vậy, Luật cũng quy định, dự án đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định công nghệ, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập quy hoạch chi tiết, cấp Giấy phép xây dựng và các thủ tục để được phê duyệt, chấp thuận, cho phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.
Nhà đầu tư đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời gian 15 ngày; cam kết thực hiện dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp phép trong lĩnh vực này (dự kiến sẽ rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Theo cơ quan soạn thảo, đây là nội dung đột phá nhằm rút ngắn thời gian triển khai dự án, thể hiện cách tiếp cận mới trong xây dựng thể chế theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Đảm bảo mục tiêu phát triển
Nhìn nhận về nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Đầu tư, không ít ý kiến cho rằng, việc Luật quy định nhà đầu tư không phải “lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường”, mà chỉ phải “thực hiện thủ tục cấp Giấy phép môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” là bảo đảm tính khả thi và đồng bộ với pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bởi, thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng đối với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao nên trường hợp dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là theo các tiêu chí về quy mô, công suất, diện tích sử đất... mặt khác, do đây là các lĩnh vực công nghệ cao nên sẽ nhằm thu hút các nhà đầu chiến lược, có năng lực, kinh nghiệm, có uy tín trong các lĩnh vực này.
Ngoài ra, quy định thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ áp dụng trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế là những khu vực độc lập, có ranh giới rõ ràng, hoàn thiện về hạ tầng, bảo đảm về quy hoạch, xây dựng, đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, qua đó, cho phép bảo đảm cơ sở kiểm soát quá trình triển khai thực hiện dự án, phòng tránh rủi ro.
Từ đó, giúp đảm bảo mục tiêu phát triển theo các chủ trương, định hướng đã đề ra về thu hút đầu tư đối với lĩnh vực công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao.
Theo các chuyên gia, các quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư trong Luật sửa đổi 4 Luật đã thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá trong phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Trước đó, tham gia góp ý về những sửa đổi, bổ sung đã nêu, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng nhận định, quy định về phân cấp, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư một số dự án từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện…
Bên cạnh đó, về trình tự, thủ tục đầu tư đặc biệt, việc quy định dự án đầu tư đăng ký theo trình tự này sẽ không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy sẽ giúp quá trình thực hiện dự án đầu tư sẽ được rút ngắn nhiều.
Đồng quan điểm, góp ý những nội dung sửa đổi này tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV trước đó, không ít ý kiến đại biểu cũng cho rằng, việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế là một hướng đi hợp lý, giúp rút ngắn quy trình, giảm tải cho các cấp cao hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án…