Đột phá Luật sửa đổi 4 Luật: Bước chuyển mới trong thu hút vốn đầu tư tư nhân
Mở rộng không gian thu hút đầu tư PPP, khuyến khích thực hiện đối với các dự án… việc sửa đổi, bổ sung Luật PPP kỳ vọng sẽ tạo bước chuyển mới trong thu hút vốn đầu tư tư nhân.
So với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) năm 2020, việc sửa đổi, bổ sung Luật này tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (Luật sửa đổi 4 Luật) được đánh giá là sẽ giúp các dự án PPP thực hiện thông suốt hơn, nhất là với những dự án quy mô nhỏ, dự án PPP đặc thù và tạo đột phá trong thu hút đầu tư tư nhân.
Nhiều điểm mới
Theo đó, để mở rộng không gian thu hút đầu tư PPP, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PPP khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, trừ các dự án thuộc lĩnh vực Nhà nước độc quyền hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Đồng thời, bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP; giao bộ, ngành, địa phương xem xét và chịu trách nhiệm quyết định lựa chọn dự án phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực hiện của nhà đầu tư.
Không chỉ có vậy, Luật cũng quy định áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.
Làm rõ trình tự, thủ tục sử dụng vốn đầu tư công thanh toán cho nhà đầu tư trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung các nguồn vốn thanh toán để chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp dự án PPP và xác định thứ tự ưu tiên khi sử dụng các nguồn vốn này, gồm: dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn; tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước dành cho chi đầu tư phát triển.
Đặc biệt, Luật cũng quy định tiếp tục áp dụng loại hợp đồng xây dựng – chuyển giao (BT) thanh toán bằng tiền và thanh toán bằng quỹ đất theo hướng đổi mới toàn diện cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, khắc phục tối đa các bất cập trong việc thực hiện loại hợp đồng này.
Cụ thể, tổng mức đầu tư phải được xác định chính xác, tránh nâng khống giá trị công trình; phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; cơ chế thanh toán cho nhà đầu tư phải được xác định cụ thể, minh bạch ngay từ giai đoạn lập dự án. Bổ sung loại hợp đồng BT không yêu cầu thanh toán để áp dụng với các công trình kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công do nhà đầu tư tự đề xuất đầu tư xây dựng và chuyển giao cho Nhà nước mà không yêu cầu thanh toán chi phí đầu tư xây dựng.
Việc thực hiện hợp đồng BT thanh toán bằng quỹ đất và hợp đồng BT thanh toán bằng ngân sách Nhà nước quy định tại điểm b khoản 12 Điều 3 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Kỳ vọng từ hành lang pháp lý
Trong bối cảnh Việt Nam đang vươn mình mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, mô hình PPP được cho là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng, nơi dòng vốn nhà nước và tư nhân giao thoa, cùng kiến tạo nên những công trình lớn phục vụ cộng đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc bỏ hạn mức tối thiểu giúp tạo tính chủ động, linh hoạt cho các bộ, ngành, địa phương khi lựa chọn dự án để áp dụng phương thức đầu tư PPP, đặc biệt là các dự án quy mô nhỏ, có tiềm năng.
Ngoài vấn đề đã nêu, việc khôi phục lại hình thức hợp đồng BT để huy động thêm nguồn lực từ tư nhân, từ đất đai cho đầu tư phát triển; hợp đồng BOT đối với dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng công trình hiện hữu nhưng với cách làm mới, rút kinh nghiệm từ những bài học cũ, để hài hòa lợi ích của Người dân - Nhà nước - Nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế tài chính đối với dự án PPP như xem xét sửa đổi quy định về tỷ lệ vốn Nhà nước trong dự án PPP; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; nguồn vốn thanh toán trong trường hợp chia sẻ giảm doanh thu là những vấn đề mà nhà đầu tư rất quan tâm, phản ánh nhiều trong thời gian qua. Những sửa đổi của Luật PPP được cho sẽ thúc đẩy tính khả thi của cơ chế, hấp dẫn và củng cố niềm tin của các nhà đầu tư.
Thực tế, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 3 năm thực hiện Luật PPP năm 2020, có 31 dự án mới đang được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư. Đây đều là các dự án trọng điểm, quy mô lớn của quốc gia, địa phương với tổng mức đầu tư khoảng 380.000 tỷ đồng, nhu cầu sử dụng khoảng 190.000 tỷ vốn Nhà nước.
Các dự án này dự kiến sẽ hình thành khoảng 1.000km đường cao tốc, 2 cảng hàng không tiêu chuẩn cấp 4C, 3 công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, 3 nhà máy cung cấp nước sạch, góp phần mở rộng, nâng cấp các công trình kết cấu hạ tầng giao thông, kinh tế - xã hội của các địa phương.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia kỳ vọng, Luật PPP sửa đổi sẽ gỡ khó cho các dự án giao thông hiện hữu, tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư ở các dự án trong tương lai.