Chính trị - Xã hội

Kích hoạt nguồn lực cho công nghiệp văn hoá

Minh Châu thực hiện 04/02/2025 05:00

Hợp tác công - tư là điều kiện tiên quyết nhằm đa dạng hóa nguồn lực để tăng sức hút xã hội đối với ngành công nghiệp văn hóa.

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong khẳng định với Diễn đàn Doanh nghiệp.

ho an phong
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, thông qua chính sách đầu tư, hỗ trợ và hợp tác, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ nỗ lực hết sức để kiến tạo môi trường, thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đa dạng, giàu bản sắc tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển đột phá của dân tộc.

- Thưa Thứ trưởng, sự thành công của nhiều sự kiện văn hoá đặc sắc thu hút hàng vạn người tham gia trong thời gian vừa qua cho thấy công nghiệp văn hóa của Việt Nam cần được tiếp tục khai mở tiềm năng mạnh mẽ hơn nữa?

Khai thác giá trị kinh tế của văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực cho sự phát triển đất nước là chủ trương xuyên suốt của Đảng qua nhiều kỳ Đại hội, đặc biệt, trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Chúng ta đã có một năm ghi dấu ấn về sự phát triển vượt bậc cả lượng và chất của các ngành công nghiệp văn hoá ở nước ta. Nhiều sự kiện văn hóa đặc sắc, ví dụ như Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), Concert “Anh trai say hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”… đã tạo sự lan toả mạnh mẽ. Đây chính là minh chứng cho những nỗ lực xây dựng cơ chế, chính sách; nỗ lực đổi mới sáng tạo của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng các không gian văn hoá, chương trình, sản phẩm văn hoá sáng tạo, đảm bảo chất lượng quốc tế nhưng vẫn thể hiện nét đặc sắc của văn hoá truyền thống dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, sự phát triển của công nghiệp văn hoá diễn ra trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và công nghệ cao với sự tích hợp các xu hướng như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, thực tế ảo (VR), blockchain. Có thể nói, chúng ta đang đứng trước những cơ hội chưa từng có để đổi mới và xu hướng này tiếp tục phát triển hơn nữa trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

- Thứ trưởng có nói tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hoá đang diễn ra trong bối cảnh có sự thay đổi rất nhanh của công nghệ cao. Ngoài cơ hội thì chắc rằng cũng sẽ đặt ra không ít thách thức, thưa Thứ trưởng?

Đúng vậy, sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ mang lại cả cơ hội lớn và thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của thị trường văn hóa. Chúng tôi cho rằng có sáu thách thức chính, đó là: Thứ nhất, những thách thức về đổi mới và sáng tạo khi khán giả ngày càng đòi hỏi những sản phẩm và dịch vụ văn hóa mới mẻ, độc đáo và cá nhân hóa.

Thứ hai, thách thức về số hóa và chuyển đổi công nghệ. Nhiều sản phẩm văn hóa cần phải chuyển đổi sang nền tảng số như sách điện tử, phim trực tuyến, trò chơi điện tử, các nền tảng chia sẻ video… đòi hỏi đầu tư lớn vào hạ tầng công nghệ và kỹ năng cũng như yêu cầu bảo vệ tài sản trí tuệ.

Thứ ba, thách thức về sự thay đổi hành vi tiêu dùng văn hoá, ưu tiên các sản phẩm và dịch vụ trực tuyến.

Thứ tư, thách thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và nguy cơ không đồng đều, cách biệt trong tiếp cận và hưởng thụ sản phẩm, dịch vụ văn hoá số.

Thứ năm, thách thức về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ năng và năng lực số để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ sáu, thách thức về bảo vệ bản quyền, vì sự phát triển của công nghệ cũng đi kèm với nguy cơ vi phạm bản quyền, khi các nội dung văn hóa có thể bị sao chép và phát tán trái phép dễ dàng hơn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung vào việc cân bằng giữa khai thác các cơ hội mà công nghệ mang lại và giải quyết những thách thức để đảm bảo sự phát triển bền vững của các ngành công nghiệp văn hóa.

Một số giải pháp chính được Ngành đề ra, đó là: Thúc đẩy hạ tầng số và khả năng tiếp cận; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số; hỗ trợ về chính sách và đầu tư; hiện đại hóa khung pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; phát triển nguồn nhân lực số; chú ý thúc đẩy các thực hành văn hoá bền vững, sử dụng các công nghệ thân thiện với môi trường như blockchain. Các giải pháp này đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, tổ chức, doanh nghiệp và các bên liên quan để xây dựng thị trường văn hóa phát triển lành mạnh, công bằng, bền vững và có trách nhiệm.

chong gai
Concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, minh chứng cho những nỗ lực đổi mới sáng tạo của các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trong việc xây dựng các không gian văn hoá đảm bảo chất lượng quốc tế nhưng vẫn thể hiện nét đặc sắc của văn hoá truyền thống Việt Nam.

- Đặc thù phát triển ngành công nghiệp văn hoá cần huy động nguồn lực công - tư. Làm thế nào để triển khai hiệu quả nguồn lực này trong thời gian tới, thưa Thứ trưởng?

Thực tế triển khai các hoạt động hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hoá nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng ở nước ta thời gian qua vẫn đang gặp nhiều rào cản về khuôn khổ pháp lý, cơ chế tài chính, sự thiếu đồng bộ phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan. Trong khi đó, xu hướng phát triển và nhu cầu thực tế ngày càng tăng từ cả công và tư. Việc áp dụng cơ chế đối tác công - tư cho các dự án văn hóa, cùng với những hiệu quả bước đầu của thí điểm cơ chế đối tác công - tư đặc thù, đột phá cho Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội cho thấy đã đến lúc cần nhanh chóng xây dựng, ban hành và thực hiện các quy định pháp lý cụ thể để hướng dẫn việc thực hiện cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư ngày 29/11/2024.

Việc áp dụng cơ chế này cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa thực sự là điều kiện tiên quyết nhằm đa dạng hóa nguồn lực qua tăng đầu tư tư nhân, từ đó tạo ra các cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ văn hóa đa dạng, có chất lượng để tăng sức hút xã hội đối với ngành công nghiệp văn hóa và tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Minh Châu thực hiện