Kinh tế

Phát triển "sếu đầu đàn" cho nền kinh tế

Đức Hạnh thực hiện 02/02/2025 11:00

Việc xây dựng “sếu đầu đàn” được xem là bước đi có tính chất quyết định, hướng đến mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện quản lý kinh tế TƯ khẳng định khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp

hong minh2
Bà Trần Thị Hồng Minh

Bà Minh chia sẻ, Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm "Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Như vậy, doanh nghiệp không chỉ lo làm ăn bình thường mà được xác định có vai trò ảnh hưởng lớn hơn là bảo đảm quốc phòng, an ninh. Điểm đáng chú ý là Nghị quyết 41 nêu rõ yêu cầu "có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu".

- Đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã rõ nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều rào cản khiến khu vực kinh tế này “không thể lớn”,“không chịu lớn” và chưa thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo bà, đâu là những rào cản đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân hiện nay?

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2024, khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của một số doanh nghiệp tư nhân lớn đạt khoảng 70 tỷ USD.

Tuy vậy, tôi cho rằng, kinh tế tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng; chất lượng, hiệu quả hoạt động và đóng góp của kinh tế tư nhân còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, rào cản. Nhưng không tới mức kinh tế tư nhân “không thể lớn”, “không chịu lớn” như có ý kiến nêu khi mà chúng ta vẫn chứng kiến hằng ngày sự phát triển vươn lên mạnh mẽ và sự xuất hiện của các tập đoàn kinh tế của tư nhân có quy mô lớn, đang vươn mạnh hoạt động ra khỏi biên giới.

Những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân hiện nay đã được nhận diện. Đó là: Môi trường kinh doanh chưa thật sự thông thoáng, minh bạch, bình đẳng. Tâm lý kỳ thị, phân biệt đối xử doanh nghiệp tư nhân vẫn còn tồn tại ở không ít nơi. Thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; cơ chế, chính sách còn thiếu minh bạch; kiểm tra, thanh tra chuyên ngành vẫn là gánh nặng, làm gia tăng chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp.

Chúng ta vẫn thiếu cơ chế, chính sách thử nghiệm triển khai các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ về khởi nghiệp, tài chính, quản trị, chuyển đổi hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển lên thành các doanh nghiệp lớn và tập đoàn kinh tế...

seu dau dan2

- Nhưng để các doanh nghiệp hàng đầu thực sự "dẫn dắt" được ngành hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung không chỉ cần quyết tâm chính trị, thưa bà?

Mục tiêu phát triển các doanh nghiệp hùng mạnh luôn gắn với quá trình xây dựng và thực thi chính sách công nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia kinh tế, mô hình cho Việt Nam học hỏi là sự trỗi dậy của các tài phiệt "Chaebol" (Hàn Quốc) hay "Zaibatsu" (Nhật Bản) những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Quá trình này được hiểu khái quát là lựa chọn ngành phù hợp hoàn cảnh kinh tế để có chính sách nuôi dưỡng, thúc đẩy hình thành những doanh nghiệp dẫn dắt, tạo sức lan tỏa và định hình nên những biểu tượng kinh tế của quốc gia.

Song thế khó của Việt Nam khi hình thành "sếu đầu đàn" ở giai đoạn này là lựa chọn chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp thế nào khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng, phải thực thi nhiều cam kết quốc tế về cạnh trạnh cũng như hạn chế sự hỗ trợ của Nhà nước.
Theo ý kiến của tôi, chính sách tốt nhất để hình thành các tập đoàn kinh tế lớn là hỗ trợ về thị trường.

Nguồn lực được phân bổ theo nguyên tắc thị trường sẽ là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng đối với khu vực tư nhân, cộng hưởng những kết quả của quá trình cải cách, mở rộng quyền tự do kinh doanh hiện nay sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân đầu tư lớn, dài hơi hơn vào khoa học - công nghệ và kinh tế số.

Trong bối cảnh hiện nay, đã có những doanh nghiệp vượt tầm quốc gia và khu vực như Vinfast, THACO, Vinamilk, Viettel... Nhà nước phải xác định được doanh nghiệp cần gì, từ đó có chính sách hỗ trợ tạo cú hích cho họ vươn ra quốc tế để có dung lượng thị trường đủ lớn cho doanh nghiệp thiết lập chuỗi cung ứng, trở thành "sếu đầu đàn".

Tuy nhiên, phải lưu ý xu thế trở thành độc quyền của các tập đoàn kinh tế bằng việc có cơ chế giám sát hiệu quả và ban hành Luật Chống độc quyền hoặc Luật Cạnh tranh để bảo vệ cạnh tranh tự do.

- Vậy theo bà, cần có giải pháp đột phá gì để khuyến khích hình thành phát triển tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, thưa bà?

Để hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế, thực hiện mục tiêu đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 đến 65%, theo tôi cần tập trung triển khai các giải pháp đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh để kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm; xóa bỏ những rào cản bất hợp lý; thu hẹp các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.

vinat-1240.jpg
Nhà máy sản xuất ô tô điện VinFast tại Hải Phòng.

Doanh nghiệp tư nhân phải thật sự được cởi trói về cơ chế để có cơ hội tham gia vào các lĩnh vực trước đây chỉ có Nhà nước làm hoặc tập đoàn kinh tế nước ngoài thực hiện. Bảo đảm thực hiện nghiêm minh quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, các quyền, nghĩa vụ dân sự của tổ chức, cá nhân.

Nghiên cứu, ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển và hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, nhất là trong các ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân tham gia triển khai các kế hoạch, chiến lược phát triển ngành, địa phương và quốc gia, nhất là các công trình, dự án đầu tư lớn, quan trọng...

Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân liên kết với DNNN, doanh nghiệp FDI và tham gia các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân tham gia góp vốn, trở thành chủ sở hữu các doanh nghiệp lớn sau khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp đến năm 2030, trong đó có việc hình thành các tập đoàn kinh tế của tư nhân. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân để vừa phát huy thế mạnh và tiềm năng, vừa khắc phục những mặt trái của kinh tế tư nhân, đưa kinh tế tư nhân phát triển đúng định hướng…

Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân phải phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, dám nghĩ lớn, dám làm lớn, đột phá, năng động, sáng tạo và khát vọng phát triển, ý chí vươn lên trở thành những doanh nghiệp quy mô lớn, tập đoàn kinh tế tầm vóc khu vực và thế giới.

- Ở góc nhìn doanh nghiệp, theo bà, quyền lực thực sự của một "sếu đầu đàn" sẽ là gì?

Trong bối cảnh hiện nay, quyền lực của một tập đoàn lớn không chỉ dựa vào sức mạnh tài chính, đất đai mà là trí tuệ.

Tư duy về phát triển doanh nghiệp sẽ phải đổi mới mạnh mẽ. Do đó, "sếu đầu đàn" phải bao gồm cả những doanh nghiệp truyền thống đã có thời gian tích tụ tài chính và cả những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động trong những ngành nghề mới.

Nền kinh tế tương lai sẽ rất khác, chưa ai hình dung hết được và việc xây dựng thể chế cho nền kinh tế ở không gian số, không gian mạng sẽ rất phức tạp, khác hẳn thể chế của nền kinh tế dựa vào nguồn lực vật thể. Sức mạnh của công nghệ số khi tích hợp với nền kinh tế thực sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển doanh nghiệp, từ đó làm thay đổi mạnh mẽ sức vóc của nền kinh tế.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Các quốc gia thực hiện công nghiệp hóa thành công đều có vai trò của hệ thống doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp quy mô lớn - những “doanh nghiệp đầu tàu” hay “sếu đầu đàn”- để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DNNVV tham gia chuỗi sản xuất.

Hiện chúng ta cần có những doanh nghiệp trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân đủ lớn mạnh về quy mô, có năng lực quản trị chuẩn mực quốc tế, ứng dụng công nghệ hiện đại, có khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần xác định được các doanh nghiệp có đủ bản lĩnh trở thành “sếu đầu đàn”, trên cơ sở đánh giá nội lực của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường, tránh việc sử dụng mệnh lệnh hành chính hay lắp ráp một cách cơ học. Những doanh nghiệp này cần được xem xét, đánh giá trên các yếu tố: quy mô; thị phần và thị trường; quản trị; ngành, lĩnh vực hoạt động và tính bền vững của doanh nghiệp.

Cần tập trung phát triển các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành, lĩnh vực mới có tác động dẫn dắt, lan tỏa như: cung cấp đầu vào quan trọng cho các ngành kinh tế, kết cấu hạ tầng quốc gia quan trọng, khoa học công nghệ hiện đại, công nghiệp lưỡng dụng để bảo vệ Tổ quốc…

Đức Hạnh thực hiện