Đổi mới tư duy phát triển
Việt Nam đứng trước thời điểm bước ngoặt cho sự phát triển của nền kinh tế nên cần tầm nhìn chiến lược mới, nâng tầm sản phẩm thế mạnh có chất lượng cao vươn tầm thế giới.
Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng sản phẩm có độ “phủ sóng” và nhận diện toàn cầu như cách mà nước Pháp đã thành công với sản phẩm rượu vang nổi tiếng. Là nước nông nghiệp, sở hữu những giống lúa chất lượng cao, Việt Nam có thể trở thành quốc gia của các thương hiệu gạo hàng đầu thế giới.
"Nhịp chạm" tiêu dùng thay đổi
Xu hướng tiêu dùng xanh đang chi phối các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đưa khâu sản xuất tiến gần hơn đến thị trường. Nghiên cứu được The Nation Consultancy phối hợp thực hiện cho thấy, người tiêu dùng không quan tâm nhiều đến việc hàng hoá sản phẩm của tập đoàn, doanh nghiệp lớn nào mà đặt niềm tin vào tính chân thật, minh bạch và bền vững của sản phẩm, hàng hoá. Khách hàng sẵn sàng trả phí cao hơn 30% để tiêu dùng những sản phẩm đáp ứng các tiêu chí trên, nhất là của các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Do vậy, sản phẩm không chứng minh được tính thân thiện môi trường, không đảm bảo các yếu tố bền vững sẽ không “chạm” đến được người tiêu dùng.
Một nghiên cứu được thực hiện trên quy mô toàn cầu trong giai đoạn từ 2010 - 2022 liên quan đến xu hướng tiêu dùng trách nhiệm ở nhiều ngành hàng, nhiều quốc gia đã chỉ rõ, dù ở khu vực nào, quốc gia nào trên thế giới vẫn luôn có nhóm khách hàng hướng đến sản phẩm chất lượng cao và bền vững.
Những năm gần đây, nhóm khách hàng này đang gia tăng nhanh theo xu hướng phát triển xanh của toàn cầu. Tôi không nói chúng ta đều hướng đến bền vững trong tất cả khía cạnh kinh doanh nhưng ít nhất trong thời điểm này, doanh nghiệp khó có thể bán được hàng nếu không quan tâm đến phát triển bền vững, đến môi trường hay tiêu dùng có đạo đức. Có thể nói, tính bền vững đóng vai trò là nền tảng phát triển lâu dài dù doanh nghiệp phát triển ở quốc gia nào và đòi hỏi doanh nghiệp phải cân bằng giữa chất lượng và lợi nhuận.
Xu hướng phát triển của kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh đang mở ra cơ hội phát triển lớn cho Việt Nam. Thời điểm này, Việt Nam đứng trước giai đoạn bước ngoặt cần nhìn nhận tầm nhìn mới. Nói đơn giản hơn, triển vọng tương lai của nền kinh tế không chỉ là sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm hàng hoá truyền thống mà cần hướng đến những ngành nghề, lĩnh vực mới; những sản phẩm chất lượng cao. Đó là lý do cần đưa ra đề xuất chiến lược mới.
Cơ hội đột phá
Là quốc gia nhiệt đới, Việt Nam đang sở hữu nhiều sản phẩm chất lượng cao, hương vị đặc sắc như gạo, cà phê… Mỗi sản phẩm có đặc điểm, tính chất riêng, có nhiều nét văn hoá độc đáo và có khả năng tạo đột phá riêng trên thị trường toàn cầu. Nhiều nông sản đặc sắc của Việt Nam đã có chỗ đứng trên thị trường toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này mới thiên về số, trong khi chất lượng và thương hiệu hàng hoá còn chưa được như mong muốn. Khai thác hiệu quả những dư địa tiềm năng này có thể mang lại cho nền kinh tế hàng tỷ USD.
Việt Nam đứng trước thời điểm bước ngoặt trong phát triển kinh tế và hợp tác quốc tế. Tiếp cận các nguồn lực và thu hút đầu tư theo cách truyền thống rõ ràng không còn nhiều “đất”. Do đó, cần có tầm nhìn, cách tiếp cận và đề xuất mới. Nếu Pháp có rượu vang nổi tiếng, cần xây dựng để Việt Nam trở thành quốc gia của một số loại nông sản hàng đầu thế giới như lúa gạo chẳng hạn. Tầm nhìn này hoàn toàn có thể được hiện thực hoá vì Việt Nam đang sở hữu những giống gạo chất lượng cao xuất sắc.
Để làm được điều này, cần tạo dựng niềm tin với đối tác và người tiêu dùng, thay đổi cách nghĩ về việc cung ứng sản phẩm giá rẻ theo hình thức bán buôn. Nông sản Việt Nam cần chuyển đổi sản xuất xanh đáp ứng các tiêu chuẩn, chứng chỉ sản phẩm sạch; chứng chỉ liên quan đến thương mại công bằng. Điều này không quá khó, Việt Nam có thể đạt được điều đó. Tuy nhiên, ngoài hướng đến chất lượng, cần có sự hợp tác, liên kết và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong các ngành để có thể tiếp cập nguồn lực cần thiết tạo tác động lớn hơn đến phân khúc khách hàng của mình; đồng thời gửi những thông điệp chung của ngành đến trên thị trường toàn cầu.
Tương lai khác biệt quá khứ. Kỷ nguyên số góp phần mang đến câu trả lời cho trăn trở: làm sao để truyền tải những thông điệp của các doanh nghiệp, ngành hàng đến với các thị trường, khách hàng mục tiêu, đến với người tiêu dùng có trách nhiệm và sẵn lòng ủng hộ sản phẩm bền vững? Doanh nghiệp đứng trước cơ hội, quảng bá sản phẩm giá trị cao đến với trực tiếp người tiêu dùng thông qua nền tảng số, mạng xã hội. Nếu hình ảnh của doanh nghiệp đủ mạnh, người tiêu dùng sẽ tìm đến.