Nghiên cứu - Trao đổi

Cần có tiêu chí rõ ràng để thu hút FDI

Yến Nhung 21/01/2025 04:00

Trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần có tiêu chí rõ ràng, cụ thể, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó, đánh dấu mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Không thể phủ nhận những kết quả mà khu vực FDI mang lại cho Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn tồn tại thực tế, thu hút và sử dụng FDI hiện nay bộc lộ một số vấn đề như doanh nghiệp FDI gây ô nhiễm môi trường, chuyển giá; trốn thuế, công nghệ trung bình, thậm chí lạc hậu; tranh chấp lao động, đầu tư lướt sóng; kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt còn hạn chế... Điều này gây ảnh hưởng đến nền kinh tế nội địa.

Việc xây dựng và triển khai chính sách công nghiệp quốc gia hiệu quả không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn mang tính chiến lược lâu dài - Ảnh: ITN
Trong cả năm 2024, vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) ước đạt khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm trước đó - Ảnh: ITN

Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp phân tích, với 17 FTAs kỳ vọng mang lại lợi ích cho Việt Nam, nhưng nội lực không tận dụng hết vô hình chung lại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI.

“Các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn vì họ cần C/O của Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế. Gần đây một số địa phương như Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc có tình trạng doanh nghiệp trong nước nhường mặt bằng hoặc cho doanh nghiệp FDI thuê lại. Điều này có thể mang lại lợi ích trước mắt cho doanh nghiệp, nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đến lợi ích quốc gia và những thế hệ sau. Do vậy cần xem xét các khoản thuế ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp thành lập mới có xuất phát gần với Việt Nam, nhưng lại thuê địa điểm tại Việt Nam, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để cho doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi”, ông Phụng cảnh báo.

Từ thực tế đó, ông Phụng đề xuất, cần có cảnh báo cho các địa phương cũng như các doanh nghiệp trong nước, tích cực hơn trong tận dụng cơ hội từ các FTA để chiếm lĩnh thị trường. Tránh việc có những địa phương trước đây dù đã giao đất, hạ tầng cho các doanh nghiệp trong nước, nhưng do nhìn thấy mối lợi trước mắt nay lại thay đổi cho các doanh nghiệp FDI thuê.

Nghị định cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo - Ảnh minh họa: ITN
Cần có tiêu chí rõ ràng, cụ thể để thu hút FDI, tránh việc hy sinh quyền lợi quốc gia để doanh nghiệp nước ngoài hưởng lợi - Ảnh minh họa: ITN

“Việt Nam đang hướng tới việc thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, có chất lượng, cần cân đối để quyền lợi quốc gia đỡ bị mất đi. Đừng nhìn vào tốc độ tăng trưởng mà không nhìn đến lợi ích của những thế hệ sau đang bị nước ngoài tận dụng”, ông Phụng lưu ý.

Đồng quan điểm, TS Bùi Thanh Luân, Chuyên gia ngành tự động hóa, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát nhấn mạnh rằng, dù không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các doanh nghiệp FDI, nhưng một số địa phương vẫn duy trì chính sách thu hút FDI bằng mọi giá. Các chính sách ưu đãi lớn như hỗ trợ đất đai, cho thuê đất giá rẻ, miễn giảm thuế và nhiều ưu đãi khác tuy thu hút được nguồn đầu tư nước ngoài nhưng lại tiềm ẩn những hệ quả tiêu cực, không thực sự tạo ra lợi ích cho nền kinh tế nội địa.

Chẳng hạn, một số tập đoàn lớn khi đầu tư vào Việt Nam đã cam kết xây dựng chuỗi cung ứng nội địa, nhưng thực tế lại không thực hiện đúng lời hứa. Các doanh nghiệp này thường chỉ sử dụng một lượng nhân sự hạn chế từ nguồn nhân lực trong nước, trong khi chuỗi cung ứng phụ trợ vẫn phụ thuộc chủ yếu vào các quốc gia khác, nơi các công ty con của họ đặt trụ sở.

Tại một số địa phương, doanh nghiệp FDI hưởng các ưu đãi nhưng không cam kết lâu dài, và khi các chính sách ưu đãi kết thúc, họ chuyển hoạt động sang các quốc gia khác với điều kiện thuận lợi hơn. Điều này khiến nhiều địa phương rơi vào “bẫy” ưu đãi. Một số công ty nước ngoài cũng chỉ tận dụng lợi thế này để biến Việt Nam thành nơi đóng gói sản phẩm, sau đó xuất khẩu với nhãn hiệu “Made in Vietnam”, dẫn đến nguy cơ dài hạn nếu không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.

“Vì vậy, Việt Nam cần có một chiến lược rõ ràng hơn trong việc thu hút FDI, tức cần sàng lọc FDI. Ví dụ như yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát triển chuỗi cung ứng nội địa, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam tham gia vào quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ. Các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải xây dựng nhà máy, tuyển dụng lao động địa phương và tham gia vào chuỗi cung ứng nội địa. Chỉ khi doanh nghiệp tuân thủ các điều kiện này, họ mới được hưởng các ưu đãi”, TS Bùi Thanh Luân đề nghị.

Yến Nhung