Ứng dụng chuyển đổi số để thúc đẩy xúc tiến thương mại
Hiện nay việc ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đã trở thành xu thế tất yếu đối với doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất.
Điều này thể hiện một cách rõ nét khi hầu hết các doanh nghiệp đã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử, nhằm quảng bá hình ảnh thương hiệu đến với khách hàng nhanh và thuận tiện.
Đưa sản phẩm lên thương mại điện tử để đi xa
Thời gian qua, tỉnh Nam Định đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả việc ứng dụng chuyển đổi số ( CĐS) vào hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, tỉnh giao Sở Công thương triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp phát huy lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để mở rộng xuất khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng. Theo dõi, tham mưu kịp thời các cấp, các ngành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã để khơi thông sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Việt – PGĐ Công ty nông sản Việt chia sẻ: Ứng dụng chuyển đổi số vào việc tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ giúp doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa, mà còn là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm được các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đây cũng là dịp để doanh nghiệp tự nhìn nhận lại sản phẩm của mình, nhận ra các mặt còn hạn chế, thiếu sót, từng bước khắc phục, hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Hiểu rõ được điều đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh của tỉnh đã tích cực hơn trong việc đăng ký tham gia các chương trình xúc tiến thương mại do các sở, ngành, địa phương tổ chức.
Bà Đỗ Thị Gấm - Chủ tịch Hội đồng quảng trị HTX dược liệu sinh thái Ngọc Trà cho biết: HTX có 9 sản phẩm trà thảo dược, trong đó có 2 sản phẩm Thanh Tâm uyển và Tĩnh tâm trà được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào các năm 2023, 2024.
Trước đây chúng tôi chỉ bán hàng theo phương thức truyền thống và đăng tin bài giới thiệu sản phẩm qua các nền tảng xã hội như Facebok, Zalo. Tuy nhiên cách giới thiệu sản phẩm cũng đơn giản chưa tạo được ấn tượng, thu hút khách hàng. Nhờ được tập huấn kỹ năng livestream, giới thiệu sản phẩm ấn tượng nên đã thu hút được một lượng lớn khách hàng mới, ở nhiều tỉnh, thành trong khu vực. Hiện tại trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán trên 100kg, có tháng cao điểm đạt 200kg. HTX đang tiếp tục trau dồi kỹ năng XTTM, bán hàng trên nền tảng số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Theo Sở Công Thương Nam Định: Sự nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại (XTTM) trên nền tảng số đã góp phần quan trọng thúc đẩy tỷ trọng kinh tế số của Nam Định đạt 17% trong GRDP. Trong đó, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) chiếm 9% tổng mức bán lẻ, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc. Thời gian tới, các ngành chức năng Nam Định sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện ứng dụng CNTT và CĐS trong hoạt động XTTM.
Đẩy mạnh và hỗ trợ chuyển đổi số
Theo Sở Công Thương Nam Định: Thực hiện “Đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong hoạt động XTTM giai đoạn 2021-2030”, Sở Công Thương Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận môi trường số, tạo sức bật mạnh mẽ cho kinh tế địa phương.
Với vai trò chủ công trong công tác XTTM, Sở Công Thương đã đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và CĐS trong XTTM; chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các huyện, thành phố từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu XTTM địa phương; hỗ trợ, phát triển và áp dụng các nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các nền tảng TMĐT và đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, CĐS cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn.
Sở phối hợp với Cục TMĐT - Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức tập huấn online về thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng với Bộ Công Thương; chính sách pháp luật đối với website TMĐT bán hàng; chương trình Workshop Online - Xu hướng kinh doanh 0 đồng với livestream Affiliate. Chương trình Workshop về Livestream “Cách mở đầu vào livestream hiệu quả”…
Những chủ đề này được thiết kế để nâng cao kiến thức, giúp đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã thực hành trực tiếp cách bán hàng trực tuyến như livestream, xây dựng gian hàng số, sáng tạo nội dung video, bài viết, câu chuyện theo chủ đề quảng bá, nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm…, góp phần nâng cao kỹ năng bán hàng trên nền tảng số của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh việc bồi dưỡng kiến thức kinh doanh trên nền tảng số, Sở Công Thương đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP tạo lập và sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm trên các sàn TMĐT như thuongmainamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; PostMart.vn; Voso.vn, Shopee…
Năm 2024, Trung tâm Khuyến công và XTTM Nam Định đã tổ chức cho trên 100 lượt doanh nghiệp tham gia hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối giao thương, chương trình trưng bày sản phẩm, trình diễn hoạt động sản xuất sản phẩm làng nghề truyền thống nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề và sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định. Tổ chức cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ quốc tế, hội thảo quốc tế, hội nghị kết nối giao thương trực tiếp và trên môi trường số...
Thông qua các chương trình XTTM kết nối giao thương năm 2024, các doanh nghiệp đã quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường. Trong đó Công ty Cổ phần Dược liệu Hải Hậu đã kết nối mở thêm 3 đại lý tại các tỉnh Quảng Trị, Thanh Hóa và Tuyên Quang. Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã kết nối mở thêm được 1 đại lý phân phối sản phẩm ngao tại thành phố Đà Nẵng.
Cùng với Sở Công Thương, các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… cũng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, các hộ dân cùng mở rộng thị trường tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm, bán hàng trên môi trường mạng.
Đại diện, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định) cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã tổ chức tập huấn XTTM trong lĩnh vực nông nghiệp trên nền tảng số cho gần 100 cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản an toàn và sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp.
Qua đó các học viên được cung cấp các nội dung quan trọng, từ quy định pháp luật về kinh doanh trên nền tảng số đến kỹ năng truyền thông, marketing và các phương pháp ứng dụng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, các chuyên gia hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu qua nền tảng TikTok, Facebook, Fanpage và tạo ra các chương trình truyền thông phục vụ quảng bá, bán hàng của đơn vị.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp, HTX cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh còn được các giảng viên trực tiếp hướng dẫn giải quyết, xử lý các vướng mắc trong quá trình thiết lập, vận hành kênh bán hàng; việc thiết lập ngành hàng riêng cho các sản phẩm OCOP…
Được biết, tỉnh Nam Định đang phấn đấu xây dựng, hoàn thành cập nhật cơ sở dữ liệu chuyên ngành xúc tiến thương mại, các ngành hàng thương mại và xuất khẩu trọng điểm của tỉnh vào hệ sinh thái xúc tiến thương mại số.
Đến năm 2030, hơn 80% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin giới thiệu và bán sản phẩm của doanh nghiệp; 100% doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội. 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử; hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ và 60% các hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử. Hơn 70% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử trên các ứng dụng di động.