Cần thiết xây dựng quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để lấy ý kiến góp ý của Nhân dân…
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là yêu cầu rất cấp thiết, đồng thời chính là công cụ tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu đề ra tại Luật Dữ liệu.
Nhiều nước đã triển khai
Theo đó, trong dự thảo tờ trình Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia (dự thảo 2), Bộ Công an cho biết trên thế giới, nhiều nước, tổ chức quốc tế đã xây dựng các Quỹ tài chính nhằm hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Cụ thể như Quỹ Đổi mới Dữ liệu của Ngân hàng thế giới. Năm 2016, nhóm dữ liệu phát triển của Ngân hàng Thế giới đã thành lập Quỹ đổi mới dữ liệu (DIF) để hỗ trợ các hoạt động hợp tác sáng tạo trong sản xuất, phổ biến và sử dụng dữ liệu. Quỹ tập trung tài trợ cho các ý tưởng, dự án có thể mở rộng, có thể sao chép và sáng tạo để cải thiện dữ liệu trên thực tế.
Trong 03 lần kêu gọi vào năm 2016, 2017 và 2018, Quỹ đã nhận được khoảng 900 đề xuất cho các dự án hỗ trợ nhiều mục tiêu phát triển bền vững trên khắp châu Phi cận Sahara, Đông Á và Thái Bình Dương, châu Âu và Trung Á, Châu Mỹ Latinh và Caribe, Trung Đông và Bắc Phi và Nam Á. 38 dự án chiến thắng đã nhận được khoản tài trợ trong khoảng từ 25.000 đến 250.000 đô la mỗi dự án.
Tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết thời gian qua, các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ra đời và phát triển đã có nhiều đóng góp quan trọng vào thành công trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối tháng 09/2023, cả nước có 22 quỹ tài chính nhà nước do các bộ, cơ quan trung ương thành lập hoặc được giao quản lý. Trong số này, 20 quỹ đã đi vào hoạt động.
Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, tổng số thu của các quỹ ước là 548,4 nghìn tỉ đồng, giảm 0,27% (-1,5 nghìn tỉ đồng) so kế hoạch. Trong đó, kinh phí ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ cho các quỹ là 48,4 nghìn tỉ đồng, gồm: Quỹ bảo hiểm xã hội 47,8 nghìn tỉ đồng, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia 252,5 tỉ đồng, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia 100 tỉ đồng, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch 201,3 tỉ đồng. Tổng chi các quỹ ước 448,6 nghìn tỉ đồng, tăng 0,7% (3,2 nghìn tỉ đồng) so kế hoạch; từ đó chênh lệch thu - chi các quỹ năm 2023 ước 99,8 nghìn tỉ đồng. Dự kiến, số dư các quỹ đến cuối năm 2023 khoảng 1.425,9 nghìn tỉ đồng, tăng 7,5% (99,8 nghìn tỉ đồng) so cuối năm 2022.
Theo Bộ Công an, hiện nay, ngân sách nhà nước bố trí cho hoạt động chuyển đổi số nói chung và việc xây dựng, phát triển cơ sở dữ liệu nói riêng còn rất hạn chế, chưa có nguồn lực hỗ trợ cho tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển ứng dụng công nghệ trong xử lý dữ liệu (như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ chuỗi khối…), trong khi đó, dữ liệu là nguồn tài nguyên cốt lõi để thực hiện chuyển đổi số.
Do đó, để thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số ở vùng nông thôn, miền núi, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ việc nghiên cứu giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ cao liên quan đến xử lý dữ liệu… cần thiết phải có quy định về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Bộ Công an thành lập và quản lý
Nghị định Quy định về Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia do Bộ Công an xây dựng gồm 08 chương 62 Điều. Về mục tiêu hoạt động của Quỹ, gồm: hỗ trợ các hoạt động phát triển, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, máy học, điện toán đám mây, chuỗi khối, Internet vạn vật và các công nghệ khác trong xử lý dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy việc ứng dụng dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Đồng thời, đầu tư cho doanh nghiệp, cá nhân hoạt động nghiên cứu các giải pháp gia tăng bảo vệ dữ liệu, chuyển giao công nghệ về dữ liệu, đổi mới sáng tạo về dữ liệu, phát triển ứng dụng công nghệ liên quan đến dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ tổ chức cung cấp dịch vụ công ích để khắc phục hậu quả, xử lý sự cố về an ninh, an toàn dữ liệu; hỗ trợ hoạt động hợp tác quốc tế về dữ liệu…
Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, do Bộ trưởng Bộ Công an thành lập và quản lý. Quỹ hoạt động theo mô hình tương tự công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, theo các quy định riêng về tổ chức và cơ chế hoạt động quy định tại Nghị định này. Quỹ có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có báo cáo tài chính riêng, có con dấu...
Về ngân sách hoạt động của Quỹ, theo đó ngân sách nhà nước cấp vốn cho Quỹ tối thiểu là 1.000 tỉ đồng và được bổ sung hằng năm để bảo đảm duy trì mức 1.000 tỉ đồng tại thời điểm đầu các năm tài chính. Nguồn ngân sách nhà nước dùng để cấp cho Quỹ được bố trí từ nguồn chi cho đầu tư phát triển, từ nguồn thu của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập kinh doanh sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, gồm thu từ kết quả hoạt động của Quỹ: Các khoản lãi cho vay, phí bảo lãnh vốn vay, lãi tiền gửi và các khoản thu khác; các khoản tài trợ, viện trợ, đóng góp, tặng cho không phải hoàn trả của các tổ chức, cá nhân; nguồn khác theo quy định pháp luật.
Về các khoản chi hỗ trợ của Quỹ thì các hạng mục hỗ trợ chi phí gồm: hỗ trợ sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, nhà khoa học thuộc các tổ chức khoa học và công nghệ có công trình nghiên cứu đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định là 10 triệu đồng/tháng.
Hỗ trợ không quá 01 tỉ đồng/dự án, công trình nghiên cứu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cá nhân, nhóm cá nhân để mua tài nguyên dữ liệu; hỗ trợ không quá 01 tỉ đồng/dự án, công trình nghiên cứu để thuê khu làm việc, cơ sở ươm tạo thực hiện hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học dữ liệu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cá nhân, nhóm cá nhân; và hỗ trợ tối đa không quá 01 tỉ đồng/ dự án, công trình nghiên cứu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cá nhân, nhóm cá nhân để thuê, mua hạ tầng công nghệ thông tin, công cụ phục vụ hoạt động xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý dữ liệu.
Ngoài ra là các hình hình thức hỗ trợ nâng cao năng lực, như tổ chức hội thảo, triển lãm, cuộc thi, truyền thông, đào tạo, tập huấn, tư vấn liên quan đến lĩnh vực khoa học dữ liệu; thực hiện xúc tiến thương mại...
Đối tượng được vay Quỹ, gồm: tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; tổ chức thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh về ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu.
Lãi suất cho vay bằng 80% mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại. Mức thấp nhất lãi suất cho vay thương mại được xác định trên cơ sở so sánh lãi suất cho vay của 04 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và có tổng tài sản lớn nhất tại thời điểm xác định lãi suất cho vay của Quỹ.
Phí cho vay là khoản tiền Quỹ phải trả cho ngân hàng để thực hiện việc cho vay, do hai bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 50% tiền lãi cho vay gián tiếp thu được đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh. Mức cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất, kinh doanh tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của từng dự án, phương án. Tổng mức cho vay của Quỹ đối với một tổ chức không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Quỹ.
Thời hạn cho vay được xác định phù hợp với khả năng thu hồi vốn, khả năng trả nợ của tổ chức và điều kiện cụ thể của từng dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nhưng tối đa không quá 05 năm.