Thổ cẩm miền biên viễn
Với kỹ nghệ độc đáo cùng đôi bàn tay khéo léo, những người phụ nữ Thái cổ không chỉ dệt vải mà còn dệt cả nét văn hoá truyền thống có từ lâu đời…

Tiếp nối qua nhiều thế hệ, các bà, các mẹ nơi bản làng Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã truyền dạy lại cho con cháu từng bí quyết, từng kỹ nghệ tinh xảo thông qua câu chuyện cuộc sống, làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc; khiến cho mỗi sản phẩm được tạo ra không chỉ đơn thuần là chiếc khăn, tấm vải, váy vóc, áo quần đồng bào người Thái… mà còn là một phần tinh hoa của văn hóa, của lịch sử.

“Mục sở thị” nghề dệt thổ cẩm của người Thái cổ
Trong chuyến hành trình rong ruổi khắp các bản làng vùng sâu, vùng xa nơi miền Tây xứ Nghệ vào thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, điều mà để lại dấu ấn đậm nét, khắc sâu trong tâm trí tôi là những nghệ nhân tài hoa người Thái cổ với đôi tay khéo léo thêu dệt nên những sản phẩm thổ cẩm truyền thống ở bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến.
Tại đây, trên mảnh đất yên bình, núi non kỳ vỹ, men theo con đường nhỏ rực rỡ sắc hoa, tôi may mắn được chị Vi Thị Hương – cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Quỳ Châu dẫn đến nhà của bà Sầm Thị Bích – Nghệ nhân ưu tú, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Chị Hương giới thiệu bà Bích là một trong những người có công trong việc truyền dạy, phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở huyện miền núi Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.
Qua lời kể của bà Sầm Thị Bích, nghề dệt thổ cẩm ở bản Hoa Tiến đã có từ rất lâu đời, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác qua hàng trăm năm. Những người phụ nữ người Thái cổ nơi đây ngay từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ, các chị dạy cho cách trồng dâu, nuôi tằm đến từng đường thêu, sợi chỉ, từng kỹ thuật tinh xảo để tự mình làm ra những chiếc váy, khăn, đồ dùng cá nhân cho bản thân và gia đình.
“Những người phụ nữ dân tộc Thái cổ trong bản dù ngày ngày vẫn tần tảo sớm hôm trên nương rẫy nhưng lúc rảnh rỗi lại cặm cụi, miệt mài bên khung cửi. Mỗi đường hoa văn, mỗi tấm vải thổ cẩm đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, lòng kiên nhẫn, là minh chứng cho tình yêu nghề, tình yêu quê hương, yêu bản sắc văn hoá dân tộc Thái” – bà Sầm Thị Bích nói.
Trao cho tôi chiếc khăn thổ cẩm với nhiều hoa văn rực rỡ sắc màu, chị Vi Thị Hương – Cán bộ Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Quỳ Châu giới thiệu thêm: Mỗi tấm thổ cẩm đều có dấu ấn phối màu với những hình ảnh gắn liền với đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Từ màu sắc rực rỡ của hoa lá, non xanh của núi rừng, nét văn hoá độc đáo, đặc sắc qua các nhạc cụ dân tộc, điệu múa dân ca, dân vũ cùng kiến trúc nhà sàn cổ… được bà con nơi đây khắc hoạ lên sản phẩm một cách chân thực và đầy tinh tế.
Bản sắc dân tộc đến muôn phương...
Để làm ra một sản phẩm dệt thổ cẩm hoàn thiện, những người phụ nữ Thái cổ cần ít nhất là khoảng 3 ngày, đối với những sản phẩm tinh tế, kỳ công thì cần thời gian lâu hơn. “Kể từ khi UBND tỉnh Nghệ An công nhận bản Hoa Tiến là “Làng nghề dệt thổ cẩm” vào năm 2009, sản phẩm thổ cẩm của bà con dân bản đã được biết đến nhiều hơn, không chỉ dừng lại ở các tỉnh, thành trong nước mà còn lan rộng ra thị trường quốc tế”, bà Sầm Thị Bích - Giám đốc Hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến phấn khởi cho biết.
Được biết, những chính sách hỗ trợ thiết thực của các cấp sở ngành, chính quyền địa phương đã giúp nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Thái cổ phát triển ổn định, bền vững. Các sản phẩm làm ra đều được tập trung tại hợp tác xã, sau đó thông qua các buổi hội chợ, xúc tiến thương mại, dịp lễ, Tết để giới thiệu, quảng bá đến với các đối tác, du khách thập phương trong và ngoài nước. Hiện nay, sản phẩm thổ cẩm của bản Hoa Tiến với chủng loại đa dạng, phong phú không những có mặt ở hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam như: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà còn vươn rộng đến nhiều nước trên thế giới như: Lào, Camphuchia, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Nhật Bản…
Dịp này, khi Tết đã cận kề, Xuân đã đến với bản làng vùng cao, nếu như ghé thăm mảnh đất yên bình Hoa Tiến, Quỳ Châu, chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp duyên dáng của những cô gái Thái trong trang phục, váy áo đầy sắc màu thổ cẩm với làn điệu dân ca, dân vũ khắp, lăm, nhuôn cùng tiếng cồng chiêng, khèn bè, sáo, pí… vang vọng khắp núi rừng miền Tây xứ Nghệ.