Cùng hành động để xây dựng nền kinh tế xanh bền vững cho vùng ĐBSCL
Sáng ngày 16/11, Phiên toàn thể Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL lần II năm 2024 chính thức khai mạc với chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển”.
Phát biểu tại phiên toàn thể, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT điểm lại những mục tiêu và kết quả đạt được của Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân nông thôn và thúc đẩy kinh tế vùng.
Theo ông Trần Thanh Nam, hiện nay ĐBSCL vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và thay đổi xu thế tiêu dùng lẫn tiêu chuẩn chất lượng nông sản. Vì vậy, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và là chiến lược được ưu tiên hàng đầu để khu vực này phát triển bền vững.
Để thực hiện tốt cụm từ “kinh tế xanh”, tại Diễn đàn, các chuyên gia đã trao đổi, thảo luận về cơ chế, chính sách, phương thức kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo và cộng hợp nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế xanh ĐBSCL.
Theo đó, các ý kiến xoay quanh vấn đề như: xây dựng được kịch bản cụ thể cho quá trình thực thi; có chính sách tạo đòn bẩy về ưu đãi thuế, vốn vay, kết nối thị trường; khuyến khích các chương trình giáo dục và trải nghiệm thực tế về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động du lịch sinh thái gắn với trồng rừng để nâng cao nhận thức cộng đồng và tạo nguồn thu bổ sung cho các dự án kinh tế xanh.
Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao tinh thần “Tiên phong - Sáng tạo - Dám nghĩ - Dám làm” của các tỉnh ĐBSCL trong tạo dựng được những mô hình khởi nghiệp theo định hướng kinh tế xanh để xây dựng quê hương, tận dụng tốt nguồn lực của địa phương. Qua đó bước đầu tạo được nền tảng để phát triển và vươn tầm quốc tế, cụ thể là sự có mặt của 136 dự án khởi nghiệp trong Diễn đàn năm nay.
Để những sáng kiến, giải pháp, kiến nghị của Diễn đàn năm nay có cơ hội hiện thực hóa và tiếp tục thúc đẩy nhiều mô hình giá trị, thiết thực hơn nữa, Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị các địa phương vùng ĐBSCL cùng nhau tích cực nghiên cứu, mạnh dạn tham mưu, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các cơ chế đặc thù đối với các mô hình thí điểm, thử nghiệm.
Đồng thời tập trung nhận diện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động khởi nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong vùng; tăng cường liên kết vùng, đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh, của vùng.
Hiện nay, Bộ KH&CN đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, trong đó sẽ tập trung chú trọng các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy, hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Vì vậy, đề nghị các địa phương cần tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN trong việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Đồng Tháp nhận thấy một số mục tiêu lớn đặt ra cho Diễn đàn đã hoàn thành và đáp ứng bước đầu mong mỏi của tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Cụ thể, Diễn đàn thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo; diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư; thông qua các hoạt động của Diễn đàn và Mạng lưới chuyển đổi xanh Mekong chúng ta sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường.
Đặc biệt là những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh được tôn vinh. Đây là tiền đề để kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân, các nhà khoa học tiếp tục đóng góp một cách có trách nhiệm cho bài toán dựng xây quê hương theo định hướng kinh tế mới; thông qua Diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng được phát triển lên một bước, định hướng bền vững trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và chuyển đổi số kết hợp chuyển đổi xanh; các hoạt động trong khuôn khổ Diễn đàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước.
Trong sự kiện này, Diễn đàn công bố kết quả và trao giải Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 cho các dự án xuất sắc, gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 7 giải Khuyến khích. Trong đó, Dự án “Chuỗi giá trị tuần hoàn, giả phát thải ngành thủy sản Alpha Amin của tác giả Nguyễn Trung Tính (tỉnh Đồng Tháp) đạt giải Nhất.
Trong khuôn khổ của sự kiện này, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL lần II năm 2024 còn ra mắt Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong. Đây là một sáng kiến của sự hợp tác từ của hai khối công - tư nhằm thúc đẩy các giải pháp bền vững, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tại khu vực ĐBSCL. Các nhóm này gồm: Nông nghiệp xanh - phát triển sáng kiến nông nghiệp bền vững và số hóa nông nghiệp; Du lịch xanh - thúc đẩy các mô hình du lịch bền vững và trách nhiệm; Thanh niên Mekong xanh - hướng đến nâng cao nhận thức và năng lực khởi nghiệp của thanh niên trong lĩnh vực môi trường…