Tổng thống Trump “đốt nóng” đường đua AI Mỹ - Trung
Tổng thống Donald Trump đã công bố kế hoạch đầu tư 500 tỷ đô la Mỹ vào AI, trong khi tại Trung Quốc hàng triệu công ty đã hoạt động trong lĩnh vực này.
Nội các chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump tập hợp rất nhiều nhân vật kỹ trị, rẽ ngoặt từ thương trường sang chính trường. Điểm chung giữa họ đều là những cá nhân hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến.
Chính vì thế, ngay trong lễ nhậm chức, ông Trump tuyên bố đầu tư 500 tỷ đô la Mỹ vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), được đảm nhiệm bởi các doanh nghiệp hàng đầu, như: OpenAI, Oracle, Softbank, Arm, Microsoft và NVIDIA.
Chủ tịch Oracle Larry Ellison cho biết sẽ xây dựng 20 trung tâm dữ liệu tại Mỹ, mỗi trung tâm rộng nửa triệu feet vuông. OpenAI và Microsoft đang cùng nhau lập kế hoạch cho một dự án trung tâm dữ liệu trị giá 100 tỷ đô la, bao gồm một siêu máy tính trí tuệ nhân tạo còn được gọi là “Stargate”, dự kiến ra mắt vào năm 2028.
AI đòi hỏi sức mạnh tính toán cực lớn, thúc đẩy nhu cầu về các trung tâm dữ liệu chuyên biệt cho phép các công ty công nghệ liên kết hàng nghìn con chip với nhau thành các cụm. Ông Trump cam kết “họ phải sản xuất rất nhiều điện và chúng tôi sẽ tạo điều kiện để họ có thể dễ dàng sản xuất tại các nhà máy của họ nếu họ muốn”.
Đầu tư vào AI đã tăng vọt kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào năm 2022, khi các công ty trên khắp các lĩnh vực tìm cách tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm và dịch vụ của họ. Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên. Người ta gọi đó là cuộc chiến công nghệ.
Người Mỹ đã đi đầu trong đổi mới AI, là thành quả từ các Trường đại học, Viện nghiên cứu hàng đầu. Nước này vượt trội hơn trong việc chuyển đổi nghiên cứu tiên tiến thành các sản phẩm thực tế, do các công ty tư nhân thúc đẩy.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nổi lên như một đối thủ đáng gờm trong thập kỷ qua. Và câu chuyện cho rằng Trung Quốc chỉ giỏi sao chép công nghệ là định kiến sai lầm và lỗi thời.
Ngay sau khi Mỹ thắt chặt hơn nữa việc kiểm soát xuất khẩu đối với chất bán dẫn tiên tiến và đưa thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách đen thương mại, nước này đã tạo ra một quỹ đầu tư AI mới, với số vốn ban đầu là 60 tỷ nhân dân tệ (8,2 tỷ đô la Mỹ) do Nhà nước hậu thuẫn.
Bắc Kinh đã đưa AI trở thành ưu tiên quốc gia trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi chính quyền trung ương củng cố sự hỗ trợ của mình cho lĩnh vực mới nổi này bằng các chính sách ưu đãi, thị trường AI của Trung Quốc dự kiến sẽ có giá trị 5,6 nghìn tỷ nhân dân tệ vào năm 2030.
Để đảm bảo năng lực độc lập, theo Chen Liang, Chủ tịch của China International Capital Corporation - công ty đầu tư do Nhà nước hậu thuẫn, ngành công nghiệp AI của Trung Quốc có thể đầu tư hơn 10 nghìn tỷ nhân dân tệ, tương đương 1,4 nghìn tỷ đô la Mỹ vào việc phát triển công nghệ này cho giai đoạn 2025-2030.
Tương tự ở Mỹ, Trung Quốc đang trải qua sự bùng nổ AI khi các công ty công nghệ trong nước đầu tư mạnh vào việc phát triển các mô hình AI tạo sinh, đặc biệt là các mô hình ngôn ngữ lớn - công nghệ hỗ trợ các chatbot như ChatGPT của OpenAI.
Thậm chí, tại Trung Quốc bây giờ không thể thống kê chính thức có bao nhiêu mô hình chatbot, bao nhiêu dự án phát triển ngôn ngữ lớn và rất nhiều công ty đã cung cấp mã nguồn mở cho phép doanh nghiệp tải về để tiếp tục phát triển.
Theo tìm kiếm trên nền tảng dữ liệu doanh nghiệp Qichacha, hơn 237.000 công ty liên quan đến AI đã ra mắt tại Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024. Quốc gia này có khoảng 1,7 triệu công ty đã đăng ký AI theo tên, danh mục bằng sáng chế hoặc phạm vi kinh doanh của họ.
Các tổ chức học thuật, nghiên cứu sáng tạo của Trung Quốc, đặc biệt là từ Đại học Thanh Hoa, đã tạo ra phần lớn các công ty khởi nghiệp AI hàng đầu, bao gồm 4 công ty khởi nghiệp AI hàng đầu hiện nay - Zhipu AI, Baichuan AI, Moonshot AI và MiniMax
Trung Quốc không sở hữu nhiều công ty lớn, nhưng khả năng sản xuất của họ rất đáng nể với rất nhiều công ty nhỏ thừa hưởng thành tựu của nhau. Trung Quốc hiện đang công bố nhiều nghiên cứu AI hơn Mỹ và đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách hiệu suất với các mô hình ngôn ngữ lớn tại Mỹ.
Mặc dù Mỹ lấn át Trung Quốc về đầu tư AI tư nhân, nhưng đầu tư nước ngoài đang bắt đầu chảy vào lĩnh vực AI của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc cũng đang vào cuộc để lấp đầy khoảng trống tài trợ, hỗ trợ các công ty AI trong nước bằng vốn Nhà nước.