Tài chính doanh nghiệp

Vượt thách thức trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Diễm Ngọc 23/01/2025 5:14

Xây dựng một hệ sinh thái minh bạch, an toàn và hiệu quả giúp thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực sự trở thành "đòn bẩy" phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Còn nhiều thách thức

Năm 2024 đã đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam, với giá trị phát hành đạt gần nửa triệu tỷ đồng, tăng trưởng đáng kể sau giai đoạn khó khăn 2022-2023. Tuy nhiên, bên cạnh các tín hiệu tích cực, thị trường vẫn đối mặt với những thách thức lớn về chất lượng và cơ cấu.

thong-tu-03-kho-giai-cuu-trai-phieu-doanh-nghiep-23.1.2.jpg
Chức năng huy động vốn của thị trường TPDN vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp phi ngân hàng

Dữ liệu từ FiinRatings cho thấy, phần lớn sự tăng trưởng của TPDN đến từ quy mô phát hành, chủ yếu thuộc lĩnh vực ngân hàng, chiếm hơn 67% tổng giá trị phát hành. Trong khi đó, chỉ hơn 30% là trái phiếu từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trực tiếp. Điều này phản ánh chức năng huy động vốn của thị trường vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp phi ngân hàng.

Thanh khoản trên thị trường thứ cấp đã được cải thiện, nhưng vai trò cung cấp vốn dài hạn cho doanh nghiệp vẫn là điểm nghẽn chính, cần có sự thay đổi mang tính toàn diện để cải thiện chất lượng phát hành, tăng tính minh bạch và xây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư.

Ông Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings cho rằng, trong năm 2024, Quốc hội đã thông qua nhiều bộ luật quan trọng liên quan đến thị trường tài chính như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai. Đồng thời, Chính phủ đang khẩn trương chỉnh sửa các nghị định như Nghị định 153 và 155 để thúc đẩy phát hành trái phiếu ra công chúng và đến thị trường riêng lẻ.

Các điều chỉnh này được kỳ vọng sẽ giúp khơi thông dòng vốn, đặc biệt cho các ngành bất động sản, hạ tầng giao thông và các lĩnh vực xuất khẩu. Song song đó, các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc-Nam, các cảng biển quốc tế và nhà máy điện hạt nhân cũng đang tạo áp lực lớn về nhu cầu vốn đầu tư.

Vì vậy, cần phải giải quyết các thách thức còn tồn tại trên thị trường TPDN để tăng cường khả năng thu hút vốn như: Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư quốc tế vẫn e ngại do thiếu các thông tin minh bạch và hệ thống báo cáo đáng tin cậy. Các doanh nghiệp chưa phổ biến việc niêm yết và xếp hạng tín nhiệm dẫn đến bất đối xứng thông tin.

Thứ hai, tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xanh, phù hợp với xu thế toàn cầu.

Thứ ba, sự liên thông với thị trường quốc tế chưa cao khiến nguồn vốn huy động chủ yếu dựa vào nội địa.

Thứ là sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đây là yếu tố quyết định khả năng huy động vốn nhưng chưa được phát triển đầy đủ.

Kỳ vọng cho năm 2025

Theo các chuyên gia, giai đoạn 2025-2030 sẽ là thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển của thị trường TPDN Việt Nam. Các định hướng cần thiết bao gồm:

Một là phát triển trái phiếu xanh và bền vững. Việt Nam cần tập trung vào các dự án xanh, từ năng lượng tái tạo đến giao thông bền vững, nhằm huy động vốn thông qua trái phiếu xanh. Các quốc gia phát triển đã chứng minh tính hiệu quả của loại hình này trong việc thu hút đầu tư quốc tế. Do đó, việc thiết lập khung pháp lý rõ ràng và các chính sách khuyến khích sẽ giúp Việt Nam bắt kịp xu hướng toàn cầu.

thong-tu-03-kho-giai-cuu-trai-phieu-doanh-nghiep-23.1.1.jpeg
Cần phải giải quyết các thách thức còn tồn tại trên thị trường TPDN để tăng cường khả năng thu hút vốn

Hai là hoàn thiện khung khổ pháp lý. Một thị trường trái phiếu minh bạch và đáng tin cậy đòi hỏi khung pháp lý chặt chẽ. Chính phủ cần nhanh chóng hoàn thiện các Nghị định và Thông tư hướng dẫn liên quan, đảm bảo tính minh bạch trong phát hành và giao dịch trái phiếu. Việc nâng cao vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ giúp tăng niềm tin cho nhà đầu tư.

Ba là tăng cường hợp tác quốc tế, việc mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính và đầu tư quốc tế là một bước đi cần thiết. Điều này không chỉ giúp huy động vốn hiệu quả hơn mà còn mang lại kinh nghiệm quản lý thị trường từ các quốc gia phát triển.

Bốn là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thị trường. Ứng dụng công nghệ số vào việc quản lý thị trường trái phiếu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, giảm rủi ro và tối ưu hóa quy trình phát hành. Nền tảng trực tuyến có thể được sử dụng để kết nối nhà đầu tư và doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ.

Năm là đào tạo và nâng cao năng lực cho các bên tham gia. Để đảm bảo thị trường hoạt động hiệu quả, cần có các chương trình đào tạo chuyên sâu về trái phiếu dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Điều này giúp nâng cao nhận thức về trách nhiệm, quyền lợi và cách thức tham gia thị trường một cách bền vững.

Có thể thấy, thị trường TPDN Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện điều này, cần có sự kết hợp giữa cải cách pháp luật, nâng cao quản lý giám sát và thay đổi tư duy của các bên tham gia. Chỉ khi xây dựng được một hệ sinh thái minh bạch, an toàn và hiệu quả, thị trường TPDN mới thực sự trở thành động lực phát triển bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Diễm Ngọc