Điều gì tác động đến thị trường dầu thô năm 2025?
Khí hậu lạnh giá khắc nghiệt bao trùm Mỹ và châu Âu cùng tình hình căng thẳng địa chính trị được xem là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường dầu thô năm 2025.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Đức Dũng - Phó Tổng giám đốc Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV) khi trao đổi với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Ông đánh giá thế nào về xu hướng giá dầu thế giới trong năm 2025? Những yếu tố nào đang và sẽ ảnh hưởng lớn nhất đến giá dầu?
Tôi cho rằng năm 2025 sẽ là một năm đầy biến động trên thị trường năng lượng. Trong đó, thật khó để dự đoán được chính xác diễn biến và xu hướng của giá dầu do nhiều yếu tố từ căng thẳng địa chính trị, chính sách điều chỉnh sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và Đồng minh (OPEC+), chính sách kinh tế, thương mại và năng lượng của các nền kinh tế lớn trên thế giới… tác động đan xen.
Ngay từ đầu năm nay, giữa bối cảnh khí hậu lạnh giá khắc nghiệt bao trùm Mỹ và châu Âu thì tình hình căng thẳng địa chính trị đã “làm nóng” cả thị trường dầu thô thế giới. Có thể nói đây đang và sẽ là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến giá dầu trong năm 2025.
Như thông tin mà MXV theo dõi, trước khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, giá dầu đã có 4 tuần tăng liên tiếp. Đáng chú ý, đóng cửa phiên giao dịch 15/1, giá dầu WTI đã vượt mốc 80 USD/thùng; giá dầu Brent cũng phá vỡ mức 82 USD/thùng. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.
Thứ nhất, giá dầu tăng vọt sau khi chính quyền Tổng thống Joe Biden (trước 20/1) ban hành lệnh hạn chế khắc nghiệt nhất từ trước đến nay đối với dầu mỏ của Nga. Trong đó, Mỹ nhắm mục tiêu vào hai nhà sản xuất dầu lớn của Nga là Gazprom Neft và Surgutneftegaz, hơn 160 tàu chở dầu cho Nga, Iran và Venezuela, cùng các hãng bảo hiểm tàu biển. Tác động của động thái này vẫn đang lan tỏa khắp thị trường dầu thô, khiến chi phí vận chuyển tăng lên và khiến các bên mua dầu Nga lâu năm như Trung Quốc và Ấn Độ đang phải rốt ráo tìm kiếm nguồn cung ở nơi khác.
Trái với ông Biden, Tổng thống Donald Trump có cách tiếp cận mang tính đàm phán liên quan tới vấn đề tại Ukraine, nhưng không nhiều khả năng chính quyền của ông Trump sẽ đảo ngược các biện pháp trừng phạt của người tiền nhiệm.
Thêm vào đó, ông Trump cũng có lập trường cứng rắn đối với Iran tại khu vực Trung Đông, và thị trường lo ngại rằng Mỹ có thể siết chặt hơn nữa chính sách cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. Do đó, tôi cho rằng chính sách ngoại giao cứng rắn của Mỹ tại các điểm nóng xung đột toàn cầu sẽ khiến thị trường dầu thô thế giới thắt chặt hơn trong năm nay.
Thứ hai là về phía cung cầu, chính sách điều chỉnh sản lượng của OPEC+ cũng sẽ là tâm điểm chú ý của thị trường trong năm nay. Trong bối cảnh nhu cầu tăng trưởng chậm và nguồn cung nới lỏng hơn do các nước ngoài OPEC+ gia tăng sản lượng, khối này đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì biện pháp cắt giảm sản lượng cho tới hết quý I/2025 nhằm ổn định thị trường, tránh trường hợp giá dầu giảm sâu khiến doanh thu từ dầu mỏ của các nước thành viên bị ảnh hưởng. Thị trường sẽ cần phải đợi tới cuối tháng 3 để biết được liệu OPEC+ đã sẵn sàng gia tăng sản lượng của mình hay chưa.
Với tính chất khó lường của tình hình địa chính trị toàn cầu, cũng như sự không chắc chắn về chính sách sản lượng của OPEC+, tôi cho rằng giá dầu thô trong năm 2025 sẽ tiếp tục gây ra nhiều bất ngờ cho thị trường.
Trước mắt, giai đoạn đầu năm, tôi cho rằng giá dầu sẽ tăng với biên độ vừa phải trong ngắn hạn do những tác động tức thời của các diễn biến nóng từ chính sách thương mại và xung đột địa chính trị. Trong thời gian tới, nhiều khả năng giá dầu sẽ có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục suy yếu trong khi nguồn cung dầu từ Mỹ, Canada, Iran gia tăng và vào cuối tháng 3. Một số thành viên OPEC+ cũng sẽ kết thúc hoạt động cắt giảm tự nguyện.
Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 được dự báo đứng ở mức 2,8% tương đương với năm ngoái và doanh số xe điện trong tháng 12/2024 tăng 25,6% so với cùng kỳ năm 2023, chúng tôi cho rằng giá dầu thế giới trong năm nay tiếp tục chịu áp lực lớn từ triển vọng tiêu thụ ảm đạm. Nếu không có những bước ngoặt lớn thay đổi chính sách kinh tế, thương mại của các cường quốc hay xung đột địa chính trị lan rộng bất ngờ thì giá dầu thế giới sẽ ổn định trong khoảng 65 – 80 USD/thùng, khó vượt mốc 100 USD/thùng như thời điểm tháng 3/2022 khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
- Trong bối cảnh các quốc gia thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, giá dầu sẽ chịu tác động ra sao trong dài hạn, thưa ông?
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu của thế giới do tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn trong khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch có trữ lượng giới hạn và ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh không đồng nghĩa với việc ngừng sử dụng dầu thô hoàn toàn, bởi lẽ dầu thô còn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp khác ngoài ngành năng lượng.
Thời gian gần đây, mặc dù xu hướng chuyển dịch sang năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng xanh vẫn đang tăng tốc, nhưng sức ảnh hưởng của xu hướng này lên thị trường dầu mỏ chưa thực sự mạnh mẽ và rõ nét trong ngắn hạn. Năng lượng hóa thạch, cụ thể là dầu mỏ, vẫn sẽ giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu năng lượng toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển và các ngành công nghiệp khó thay thế nhiên liệu truyền thống.
Tuy nhiên, tôi đồng quan điểm với một số tổ chức quốc tế khi cho rằng xu hướng chuyển đổi xanh sẽ có những bước tiến đáng kể khi nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đạt đỉnh. Mới đây, theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu thô của thế giới sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, và sau đó sẽ giảm mạnh trong những thập kỷ tiếp theo, khi làn sóng sử dụng xe điện gia tăng và làm lu mờ vai trò của dầu thô trên thị trường nhiên liệu động cơ.
Báo cáo của IEA cho thấy, nhiên liệu hóa thạch chiếm 80% nhu cầu năng lượng thế giới trong năm 2023. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 75% vào năm 2030 và dưới 60% vào năm 2050. Điều này dẫn đến việc ngành công nghiệp hóa dầu sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy nhu cầu dầu thô trong dài hạn.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế cũng là một động lực quan trọng khác đối với nhu cầu tiêu thụ dầu thô. Trung Quốc - với sự tăng trưởng kinh tế thần tốc trong vòng 2 thập kỷ qua là đầu tàu thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới. Việc nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại trong năm vừa qua, cùng với xu hướng sử dụng xe điện và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho hoạt động vận tải đã dẫn đến một số dự báo rằng nhu cầu dầu thô của nước này đã sắp đạt đỉnh, kéo theo đó là nhu cầu dầu thế giới cũng sẽ chững lại. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ có thể thay thế Trung Quốc trong vai trò dẫn dắt nhu cầu dầu toàn cầu trong thập kỷ tới.
Dựa trên những cơ sở này, tôi cho rằng xu hướng chuyển đổi xanh có thể làm giảm giá dầu thô trong dài hạn, nhưng sẽ không loại bỏ hoàn toàn mặt hàng này ra khỏi sự vận động của nền kinh tế. Bên cạnh đó, mức độ suy yếu của giá dầu trong thập kỷ tới cũng sẽ phụ thuộc vào tốc độ chuyển đổi xanh của từng quốc gia.
- Theo ông, giá dầu biến động trong năm 2025 sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các lĩnh vực như vận tải, logistics, nông nghiệp, sản xuất và giá cả tiêu dùng?
Theo tôi, giá dầu thế giới biến động sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế do nước ta vẫn còn phụ thuộc vào nguồn dầu nhập khẩu. Thông thường, chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất sẽ tăng theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực lên lạm phát.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua (giai đoạn 2015-2024), chúng ta sẽ thấy rõ nhờ chính sách tiền tệ linh hoạt và tỷ giá ổn định, về cơ bản lạm phát đi ngang, xoay quanh mức trung bình là 2,8%/năm hay 0,23%/tháng. Các biến động về lạm phát, cao hơn hoặc thấp hơn mức trung bình, chủ yếu do các biến động về giá dầu, giá nguyên vật liệu cũng như giá các dịch vụ y tế và giáo dục do Nhà nước kiểm soát.
Hiện nay, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng còn trực tiếp làm tăng chỉ số CPI. Cụ thể, giá xăng dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm. Do đó, nếu giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế khi kéo theo giá cả của nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo.
Năm 2024 vừa qua, chỉ số CPI bình quân của nước ta tăng 3,63% so với 2023, dưới mức mục tiêu Quốc hội đề ra và nối dài chuỗi 10 năm liên tiếp Việt Nam kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4%. Tôi cho rằng trong năm 2025, công tác quản lý giá, điều hành giá cũng sẽ gặp không ít thách thức, áp lực đến từ thị trường, giá cả các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu. Trong đó, cần lưu ý về giá nhiên liệu, đặc biệt giá xăng dầu dự báo tiếp tục diễn biến khó lường.
Hơn nữa, theo tính toán, nếu giá xăng, dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Mức tăng giá xăng, dầu hiện nay tác động khá lớn đến các ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu này như ngành vận tải hay ngành nông, lâm, thủy sản. Còn với tiêu dùng, việc xăng, dầu lên giá không chỉ tăng thêm chi phí cho việc đi lại hàng ngày, mà còn gây nên bất lợi kép khi giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.
Một lần nữa, tôi xin nhấn mạnh rằng cho đến nay xăng dầu vẫn là một mặt hàng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược, bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân. Những biến động của thị trường xăng dầu không chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn cả vấn đề an sinh xã hội. Vì vậy, việc đảm bảo nguồn cung và giá cả ổn định đối với mặt hàng xăng dầu có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ trong năm 2025.
Trân trọng cảm ơn ông!