Doanh nghiệp địa ốc không ngừng mở rộng quỹ đất
Những ngày đầu năm 2025, các doanh nghiệp bất động sản trong nước đang tích cực M&A, đề xuất dự án nhằm mở rộng quỹ đất, chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới.
Trung tuần tháng 1, Tập đoàn T&T và đơn vị tư vấn đến từ Singapore đề xuất ý tưởng tổ hợp đô thị sân bay, công nghiệp hàng không, logistics với diện tích 3.400ha được chia thành 8 tiểu khu bao gồm: 5 khu chức năng và 3 đô thị ở.
Theo đơn vị tư vấn, việc xem xét tận dụng lợi thế phát triển đô thị xung quanh khu vực sân bay sẽ nâng cao giá trị giao thương, vận chuyển cũng như liên kết của thành phố với các khu vực khác và ngược lại.
Trong tuần trước, Công ty TNHH thương mại dịch vụ và khách sạn Tân Hoàng Minh cũng đã có đề xuất nghiên cứu thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Bàu Sen. Dự án có tổng diện tích nghiên cứu 1.655ha, tổng mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng, dự kiến xây dựng thành khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp với các phân khu chức năng, công trình thương mại dịch vụ, biệt thự, khách sạn, nhà hàng, công viên, sân golf…
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Trị vừa làm việc với CTCP Sam Holdings (HoSE: SAM) để nghe báo cáo kết quả khảo sát, đề xuất dự án Quần thể khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp tại huyện Gio Linh. Theo đề xuất của nhà đầu tư, dự án Quần thể khu dân cư, du lịch nghỉ dưỡng, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp có quy mô khoảng 1.800 ha, được xây dựng tại các xã Gio Mỹ, Gio Hải, Trung Giang (huyện Gio Linh).
Thực tế, trong bất cứ thời điểm nào, có quỹ đất lớn cũng đồng nghĩa với lợi thế phát triển. Vì vậy, những năm qua loạt đại gia đầu ngành đã rất tích cực gia nhập đường đua rót tiền gom đất, mua dự án. Điển hình như DIC Holdings, Khang Điền, Hà Đô, Vinhomes, Phú Mỹ Hưng, Masterise Group, Nam Long, Đất Xanh... với loạt dự án khắp cả nước nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh giai đoạn tới.
Trong chia sẻ mới đây, bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc đầu tư Tập đoàn Nam Long cho biết, doanh nghiệp này đang sở hữu khoảng 700 ha quỹ đất, tập trung chủ yếu tại TP HCM và các thành phố vệ tinh. Tuy nhiên, để đảm bảo tăng trưởng lâu dài, Tập đoàn Nam Long vẫn không ngừng mở rộng quỹ đất.
“Nam Long đang áp dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để phát triển quỹ đất. Một trong số đó là mua lại các dự án hiện hữu đã có sẵn quỹ đất phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp xem xét việc tham gia chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ các dự án hiện có. Đồng thời, nghiên cứu một phương án mới là tham gia đấu giá quyền sử dụng đất do Nhà nước tổ chức. Tuy nhiên, việc này không hề đơn giản, vì chi phí đầu vào qua đấu giá thường rất cao. Điều này đẩy giá thành lên và gây áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản”, bà Hương nói.
Tương tự, Tập đoàn An Gia cũng cho biết đang không ngừng tìm kiếm các cơ hội M&A dự án, mở rộng quỹ đất sạch. Hay Đất Xanh Group cũng thông tin đang tìm kiếm quỹ đất 100-200 ha khắp cả nước, pháp lý tốt để làm các dự án giai đoạn 2024-2025. Đất Xanh còn lên kế hoạch M&A các quỹ đất tại các dự án hiện hữu có tiềm năng để phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực, mục tiêu trước mắt là quỹ đất sạch tại 2 tỉnh Bình Phước và Đồng Nai
Rào cản từ giá đất mới
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MBS kỳ vọng hoạt động M&A các dự án bất động sản sẽ là một phần quan trọng trong năm nay bởi sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp còn yếu và chưa tiếp cận được nguồn vốn, trong khi chi phí phát triển dự án ngày càng gia tăng. Do đó, việc bán dự án cho các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính, năng lực phát triển dự án tốt là cần thiết để có thể duy trì hoạt động và phát triển.
Báo cáo quý II của Bộ Xây dựng cũng nhận định trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng quỹ đất để phát triển dự án. Theo đó, pháp lý, tính thanh khoản, tiền sử dụng đất… là những tiêu chí hàng đầu mà doanh nghiệp lựa chọn để đầu tư.
Tuy vậy, các doanh nghiệp cũng chia sẻ, giá bất động sản tăng nhanh thời gian qua, cùng với việc tăng giá đất ở nhiều địa phương đang đặt ra những thách thức trong yếu tố chi phí. Theo bà Nguyễn Thanh Hương, một trong những khó khăn lớn mà Nam Long và các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt là chi phí đầu vào ngày càng tăng cao.
Bà Hương nêu rõ, chi phí tiền sử dụng đất, giá nguyên vật liệu xây dựng tăng mạnh, cộng thêm áp lực lạm phát khiến các doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ lưỡng để đảm bảo mức giá bán hợp lý, phù hợp với nhu cầu của người mua nhà. Nếu giá nhà quá cao, không chỉ người dân gặp khó khăn, mà doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng trong việc duy trì hoạt động.
Từ đó, lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản mong muốn các cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh các quy định và chính sách một cách linh hoạt hơn, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bất động sản phát triển. Khi doanh nghiệp tồn tại và phát triển ổn định, thì thị trường cũng sẽ được hưởng lợi, cả về nguồn cung nhà ở lẫn chất lượng dự án.