Kinh tế thế giới

Davos 2025: Sáng triển vọng kinh tế Mỹ, đáng lo châu Âu

Nam Trần 24/01/2025 03:25

Một loạt chính sách mới phục vụ chiến lược “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” của tân Tổng thống Mỹ khiến các chuyên gia và chính khách tại Davos lo ngại về triển vọng kinh tế thế giới.

davos.jpg
Diễn đàn Davos 2025, nơi thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới, bao trùm bởi Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: WEF)

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tại Thụy Sĩ đang chứng kiến một xu hướng khác lạ: Kinh tế Mỹ có thể tốt lên, nhưng không đi kèm với phần còn lại của thế giới. Khi xem xét kế hoạch của Tổng thống Trump, các chuyên gia và lãnh đạo chính phủ nhận thấy các chính sách năng lượng và thuế quan của ông Trump đang hút đầu tư từ các khu vực khác và gây tổn hại đến xuất khẩu của mỗi nước.

Châu Âu lo ngại nhất

Chương trình nghị sự của tân Tổng thống Mỹ hứa hẹn biến Mỹ trở thành điểm đến ưu tiên cho đầu tư nước ngoài thông qua việc giảm thuế, giảm quy định và năng lượng rẻ hơn, trong khi các mức thuế quan mà ông Trump hứa hẹn sẽ làm tổn thương xuất khẩu của các nước khác, đặc biệt là châu Âu.

Một nhà đầu tư châu Âu nhận định tâm trạng bên ngoài nước Mỹ rất “ảm đạm”, đặc biệt ở châu Âu, nơi hoạt động giao dịch đang trầm lắng.

"Triết lý và tư duy điều hành của chính quyền Trump mang tính chiến lược trò chơi tổng bằng không,” ông Tim Adams, Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế, cho biết.

Rất nhiều lãnh đạo quốc gia và giới doanh nghiệp cảm thấy nhẹ nhõm khi thuế quan mà ông Trump hứa hẹn vẫn chưa được công bố, ít nhất cho đến lúc này. Tuy nhiên, viễn cảnh áp thuế vẫn sẽ là mối đe dọa thường trực đối với các đối tác thương mại của Mỹ, đặc biệt là Mexico, Trung Quốc và Canada, những quốc gia bị Trump chỉ đích danh.

Theo WSJ, nhiều chuyên gia tại Davos đổ lỗi cho triển vọng ảm đạm của châu Âu cũng bắt nguồn từ các chính sách của châu lục này, chứ không phải vì ông Trump. Ví dụ, tiến bộ của các nhà khoa học châu Âu trong công nghệ sử dụng vi sinh vật biến đổi gen để giải quyết nhiều vấn đề đang bị cản trở bởi thời gian phê duyệt sản phẩm kéo dài. Trong khi ở Mỹ, quá trình này chỉ mất 2-3 năm, ở châu Âu lại kéo dài đến 7 hoặc 8 năm, theo Kasim Kutay, CEO của Novo Holdings.

Một mối lo ngại khác ở châu Âu là các công ty hàng đầu sẽ chuyển đến Mỹ để tìm kiếm giá trị cổ phiếu cao hơn, ít quy định hơn và được đối xử thuận lợi hơn.

250104-trump-ch-1446-a6f9da.jpg
Ông Donald Trump dự kiến áp thuế quan cao đối với nhiều quốc gia (Ảnh: NBC)

Hệ quả cho Hoa Kỳ

Mặc dù Davos lạc quan về kinh tế Mỹ, nhưng quan điểm đó đi kèm với những cảnh báo về các mâu thuẫn tiềm tàng trong chương trình nghị sự của ông Trump. Tăng trưởng mạnh hơn và đầu tư cao hơn có thể khiến lãi suất tăng cao hơn, thu hút vốn nước ngoài mạnh hơn, đẩy đồng USD tăng lên...

“Chống lại thâm hụt thương mại; đồng thời mong muốn dòng vốn nước ngoài là một lập trường phi logic,” cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers nói.

Kenneth Rogoff, nhà kinh tế và sử gia tài chính tại Đại học Harvard, cho rằng chủ nghĩa bảo hộ và dân túy có xu hướng đẩy lạm phát và lãi suất lên cao.

Các biện pháp hạn chế thương mại, tăng thuế quan và ưu tiên sản xuất nội địa Mỹ dễ dẫn tới tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ vốn đã hưởng lợi từ thương mại toàn cầu. Khi đó, sức ép lên lạm phát có thể gây khó khăn cho FED trong chính sách lãi suất nếu muốn kiểm soát tình hình.

Nhưng theo Kenneth, các nhà lãnh đạo dân túy như ông Trump, thay vì thay đổi chính sách, có thể áp đặt kiểm soát giá hoặc dòng vốn quốc tế.

Việc áp dụng kiểm soát giá có thể ngăn chặn lạm phát leo thang nhưng lại gây ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa hoặc giảm động lực đầu tư. Tương tự, kiểm soát dòng vốn quốc tế có thể làm suy yếu khả năng thu hút đầu tư nước ngoài và cản trở sự lưu thông của nguồn vốn trong nền kinh tế toàn cầu. Kenneth gọi đây là “rủi ro ngoại biên” đối với Mỹ.

Nam Trần