Việt Nam vượt Nhật Bản về xuất khẩu thủy sản vào Singapore
Kim ngạch xuất khẩu của thủy sản Việt Nam vào thị trường Singapore trong năm 2024 tăng 4,99%, giá trị xuất khẩu đạt gần 113,37 triệu SGD, chiếm thị phần 9,68%
Dữ liệu của Cơ quan Quản lý doanh nghiệp Singapore năm 2024 cho thấy, quốc đảo này nhập khẩu thủy sản từ gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng kim ngạch đạt 1,17 tỷ SGD, giảm 2,58% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Singapore đạt gần 113,37 triệu SGD, tăng 4,99%, chiếm 9,68% thị phần.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Singapore, điều này tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam là đối tác xuất khẩu thuỷ sản lớn thứ 5 của Singapore, lần đầu tiên duy trì vị này trong 12 tháng liên tiếp.
Các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam tại thị trường này bao gồm cá phi lê đông lạnh (chiếm 30,30%) và cá chế biến (chiếm 18,52%). Đặc biệt, nhóm thủy sản thân mềm (HS0307) ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 117,92%.
Tuy nhiên, các nhóm cá tươi ướp lạnh (HS0302), cá đông lạnh (HS0303) và thủy sản thủy sinh (HS0308) đều giảm mạnh, lần lượt ở mức 48,59%, 30,1% và 31,82%.
Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Singapore khẳng định, thủy sản Việt Nam không chỉ giữ vững vị trí quan trọng mà còn có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thị trường Singapore không chỉ là điểm đến tiêu thụ mà còn là trung tâm trung chuyển quan trọng cho các thị trường quốc tế khác. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam thúc đẩy giá trị xuất khẩu, khẳng định thương hiệu quốc gia trong lĩnh vực thủy sản và gạo.
Được biết, trong 15 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu vào thị trường Singapore, Malaysia tiếp tục là nước dẫn đầu, tiếp theo là Indonesia ở vị trí thứ 2, Na Uy xếp thứ 3, Trung Quốc xếp thứ 4, và Việt Nam lần đầu tiên vượt qua Nhật Bản duy trì vị trí thứ 5 trong 12 tháng liên tiếp.
Theo thống kê, thị phần thủy sản của thị trường Singapore nhìn chung vẫn được chia đều cho các đối tác do mỗi nước đều có những thế mạnh xuất khẩu riêng.
Trong đó, 6 quốc gia có thị phần lớn nhất chiếm từ 9% - 13%, cụ thể Malaysia (12,98%), Indonesia (11,05%), Na Uy (10,16%), Trung Quốc (9,98%), Việt Nam (9,68%) và Nhật Bản (8,87%).
Tuy nhiên, mỗi quốc gia có thế mạnh riêng và chi phối từng phân khúc khác nhau. Số liệu cho thấy, Malaysia có thế mạnh về các mặt hàng cá tươi sống và tôm, cua, thủy sản giáp xác với thị phần ở 2 phân khúc này lần lượt là 32,13% và 19,33%.
Na Uy và Tây Ban Nha có thế mạnh về sản phẩm cá tươi ướp lạnh và cá đông lạnh.
Việt Nam chiếm lĩnh thị trường thủy sản Singapore bằng các sản phẩm cá phi lê đông lạnh với (chiếm 30,30%) và cá chế biến (chiếm 18,52%). Thương vụ Việt Nam tại Singapore, cho rằng trong chính sách đa dạng nguồn cung, Singapore liên tục tìm kiếm, mở rộng thị trường nhập khẩu bằng nhiều chính sách khác nhau. Điều này khiến cho sự cạnh tranh giữa các nước xuất khẩu thủy sản vào Singapore ngày càng lớn.
Do đó, ông Cao Xuân Thắng nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn vào quảng bá thương hiệu, cải thiện chất lượng sản phẩm, và tận dụng vai trò trung chuyển của Singapore để mở rộng thị trường toàn cầu.
Để duy trì và nâng cao thị phần, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đang tích cực kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm, tăng cường hiện diện sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chú trọng cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng và giảm chi phí logistics để tăng sức cạnh tranh.