“Trumpnomics” thúc đẩy tính “dân tộc kinh tế” châu Âu
Châu Âu kêu gọi đoàn kết chặt chẽ hơn để ứng phó với chính sách thuế quan mà ông Donald Trump sắp áp dụng với khu vực này.
Khảo sát của Nhóm nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu cho thấy một nghịch lý: Những đồng minh thân thiết của Mỹ cảm thấy lo lắng hơn trong nhiệm kỳ thứ 2 của ông Donald Trump.
Có hai vấn đề: sự hiềm khích cố hữu của ông Trump với NATO trong nhiệm kỳ trước, khi ông cho rằng các thành viên NATO phải tăng ngân sách quốc phòng, đóng góp nhiều hơn. Điều này gây ra mâu thuẫn nội khối trong bối cảnh nhiều nền kinh tế thâm hụt nghiêm trọng.
Tiếp đến, ông Trump liên tục đặt vấn đề thâm hụt thương mại với 27 nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU). Với tân Tổng thống Mỹ, đây là điều tối kỵ và dĩ nhiên, thuế quan là công cụ ưa thích để ông Trump tái lập sự cân bằng thương mại.
Phát biểu với các phóng viên vào đầu tuần này, ông Trump cho biết EU đã “rất, rất tệ với chúng tôi. Vì vậy, họ sẽ phải chịu thuế quan. Đó là cách duy nhất bạn sẽ nhận được sự công bằng”. Rõ ràng, chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” đặt ra những câu hỏi khó xử cho EU.
Tuy nhiên, số nhà lập pháp cho rằng việc ông Trump trở lại Nhà Trắng có thể là “cơ hội thực sự” cho khối 27 quốc gia này. Các quan chức EU, trong đó một số người trong số họ đã có kinh nghiệm ứng phó với ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên - đã gợi ý rằng việc ông Trump trở lại nắm quyền có thể là một điều tích cực cho khối.
Laurent Saint-Martin, phái viên của Bộ trưởng Ngoại thương và công dân Pháp ở nước ngoài, đã phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (Davos, Thụy Sĩ): “chiến thắng bầu cử của ông Trump là một cơ hội thực sự cho châu Âu. Chúng ta phải đoàn kết, điều này rất quan trọng”.
“Châu Âu là một châu lục rất hùng mạnh về mặt công nghiệp, dự trữ tài nguyên, về sức mua, về thị trường chung. Vì vậy, điều chúng ta cần bây giờ là tạo ra sự thống nhất hơn nữa và bảo vệ các giá trị của mình”. ông Laurent Saint-Martin nói.
Các quan chức EU liên tục nhấn mạnh đến yếu tố “đoàn kết”, trước tình cảnh có thể bị Washington bỏ rơi. Ví dụ, ngay trong nhiệm kỳ đầu, dưới sức ép của Nhà trắng, châu Âu đã có những bước tiến dài về quốc phòng, với rất nhiều sáng kiến, gia cố lực lượng vũ trang chung.
Bây giờ, EU đang đặt ra nhiệm vụ đoàn kết hơn về công nghiệp và thương mại. Thậm chí, một số nhà quan sát ở châu Âu đặt câu hỏi “nước Mỹ trên hết, còn châu Âu đi sau?”
Tổng thống Phần Lan Alexander Stub, nói thẳng: “Nếu tôi có thể đơn giản hóa một chút, mặc dù đó là “Nước Mỹ trên hết”, nhưng có lẽ châu Âu nên được đặt lên hàng thứ hai, điều này khá ổn”
Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domanski khẳng định, câu trả lời tốt nhất của châu Âu cho bất kỳ căng thẳng nào có thể xảy ra với Mỹ là khôi phục khả năng cạnh tranh và làm cho nền kinh tế mạnh mẽ hơn.
Về nguy cơ chiến tranh thương mại tiềm tàng, châu Âu có vẻ đồng quan điểm với Bắc Kinh, sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đưa ra thông điệp y hệt Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Học Tường “Một cuộc chiến thương mại là một loại lợi ích tổng bằng không”.
Rõ ràng, chính sách của ông Trump đã thúc đẩy các nước lớn và khu vực trọng điểm tăng cường “tính dân tộc”, không loại trừ khả năng hình thành những liên minh mới đối trọng với Mỹ.