Kinh tế địa phương

Nam Định: Tầm nhìn chiến lược vươn ra biển lớn

Minh Huệ - Hiền Bùi 24/01/2025 12:31

Trong năm 2025, Nam Định sẽ triển khai các giải pháp đột phá để vươn ra biển lớn, đánh dấu vị thế mới trong khu vực đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Tầm nhìn chiến lược

Một trong những minh chứng rõ nét nhất cho quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn ra biển lớn là Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Với quy hoạch này, tỉnh Nam Định xác định vùng kinh tế biển gồm 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu là một trong ba động lực tăng trưởng của Nam Định.

Đồng thời, Nam Định đã đặt mục tiêu phát triển bền vững vùng kinh tế biển và hướng tới trở thành cực tăng trưởng phía Nam vào năm 2030. Khu kinh tế Ninh Cơ rộng gần 14 nghìn ha, thuộc địa bàn 2 huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển với định hướng trở thành động lực đột phá, không chỉ của tỉnh Nam Định mà còn cả vùng đồng bằng sông Hồng, hội tụ hệ thống cảng biển tổng hợp và các KCN trọng điểm.

3(2).jpg
Khu kinh tế Ninh Cơ được định hướng trở thành động lực đột phá vùng kinh tế biển của tỉnh Nam Định (Ảnh Báo Nam Định)

Hiện nay, tỉnh Nam Định đã Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ. Khi thành lập khu kinh tế này góp phần biến tầm nhìn phát triển bền vững đến năm 2030 thành hiện thực.

Theo đại diện Ban quản lý Các Khu công nghiệp tỉnh: Trong những năm gần đây, bên cạnh nhóm doanh nghiệp đã đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất ổn định, các địa phương vùng ven biển của tỉnh đã thu hút được ngày càng nhiều dự án, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước mang nguồn vốn như những dòng nước mát lành dẫn về liên tiếp tưới xanh những mảnh đất mỡ màu.

Tại huyện Hải Hậu, dự án phát triển điện khí LNG, tổng công suất 6.000MW đang được tỉnh và đối tác tiềm năng tích cực xúc tiến quy trình đầu tư; Tập đoàn Trường An đang triển khai dự án đầu tư Tổng kho xăng dầu, quy mô 79 nghìn m3…

Tại huyện Giao Thủy, Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh hạ tầng Giao Yến đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Giao Yến với tổng vốn đầu tư dự kiến 750 tỷ đồng. Công ty TNHH Quốc tế Kam Fung Việt Nam đã hoàn thành xây dựng, đưa vào khai thác dự án đầu tư hạ tầng CCN Thịnh Lâm (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Xây dựng Giao Thuỷ đã đầu tư xây dựng CCN Giao Thiện với tổng vốn đầu tư trên 600 tỷ đồng...

Các KCN Hải Long, Thịnh Tân, Lạc Xuân đang được thúc đẩy các công việc liên quan để có thể sớm khởi công xây dựng dự án; 6 CCN đã có các nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát. Với kết quả phát triển hạ tầng công nghiệp như vậy, Giao Thủy tăng thêm cơ hội thu hút các nhà đầu tư thứ cấp phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ của địa phương...

Tại huyện Nghĩa Hưng, KCN Dệt may Rạng Đông đã trở thành điểm sáng thu hút nhiều doanh nghiệp hàng đầu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư các dự án. Đặc biệt, sự góp mặt của dự án nhà máy sản xuất vải Top Textiles do Công ty TNHH Top Textiles thuộc Tập đoàn Toray từ Nhật Bản với công suất đã vận hành giai đoạn 1 là 60 triệu mét vải/năm, gấp 4 lần công suất sản xuất vải hiện tại của toàn tỉnh và đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025, nâng tổng công suất đạt 120 triệu mét vải/năm.

Ông Nguyễn Văn Đỗ - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Giao Thủy chia sẻ “Trước đây, các điều kiện hạ tầng giao thông vùng ven biển còn nhiều bất cập nên chi phí đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp thường bị đội lên rất lớn do thời gian vận chuyển, hàng hóa lưu kho bãi cũng rất vất vả...

Theo ông Đỗ, Nam Định bây giờ, đường sá rộng mở với hàng loạt tuyến giao thông huyết mạch, kết nối liên thông đến các trọng điểm kinh tế cả nước đã giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có thêm lợi thế cạnh tranh như rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm chi phí logistics và gia tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước, đồng thời mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư với các đối tác lớn. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà còn đóng góp tích cực vào việc nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của địa phương”.

Khát vọng vươn ra biển lớn

Mới đây (ngày 14/1/2024), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 88/QĐ-TTg về việc thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ, tỉnh Nam Định. Khu kinh tế Ninh Cơ có quy mô diện tích 13.950 ha, bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp xã và phần bãi bồi.

2.png
Kênh, Âu tàu Nghĩa Hưng góp phần kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang (Ảnh Báo Nam Định)

Theo Báo cáo 9021/BC-BKHĐT về kết quả thẩm định Hồ sơ Đề án thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, Khu kinh tế Ninh Cơ được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình 14 - 15% mỗi năm trong giai đoạn 2026 - 2030.

Đến năm 2030 sẽ chiếm 25 - 30% tổng giá trị sản phẩm của toàn tỉnh Nam Định; đồng thời, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản xuống còn 15%, tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ lên 85%.

Dự kiến thu ngân sách từ Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ đạt khoảng 3.000 tỷ đồng vào năm 2030, góp phần đáng kể vào ngân sách Nhà nước.

Cũng theo báo cáo, khu kinh tế Ninh Cơ sẽ phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, bao gồm các khu chức năng riêng biệt như: khu công nghiệp, khu đô thị, khu rừng ngập mặn kết hợp du lịch sinh thái, khu cảng biển và dịch vụ hậu cần.

Đặc biệt, công nghiệp cơ khí sẽ là ngành chủ lực, tạo ra sản phẩm giá trị cao và nhiều cơ hội việc làm. Với tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp dự kiến đạt 74 - 75% vào năm 2030, Khu kinh tế Ninh Cơ sẽ tạo ra khoảng 54.000 - 55.000 việc làm vào năm 2030 và khoảng 65.000 việc làm vào năm 2035. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo sẽ đạt 80%, tăng lên 85% vào năm 2035

Theo đại diện Tập đoàn Xuân Thiện: Hiện nay với tầm nhìn chiến lược phát triển đa ngành, Tập đoàn đã tạo dấu ấn mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế với các dự án thủy điện, điện mặt trời và thép xanh, hiện Tập đoàn tích cực thực hiện các công đoạn đầu tư Tổ hợp 3 dự án thép xanh trị giá 98.900 tỷ đồng tại khu vực Cồn Xanh. Dự án được nhà đầu tư cam kết sử dụng công nghệ hiện đại từ các nước thuộc nhóm G7 châu Âu, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường cao nhất; đang tạo tiếng vang lớn, không chỉ giúp nâng tầm vị thế công nghiệp sạch của Nam Định mà còn mở ra hàng nghìn cơ hội việc làm mới.

Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chia sẻ: Đây là một bước đi chiến lược, là bước ngoặt để Nam Định không chỉ là điểm sáng trong nước mà còn vươn ra quốc tế, khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghiệp sạch.

Khát vọng vươn ra biển lớn của Nam Định đã đến rất gần. Khát vọng này hiện đang trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động chính quyền và nhân dân Nam Định. Đặc biệt là các địa phương ven biển. Với nền tảng vững chắc, Nam Định hoàn toàn có quyền tin vào một năm mới rực rỡ hơn, tiếp tục hành trình vươn ra biển lớn, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Minh Huệ - Hiền Bùi