Hiện thực mục tiêu 2045 (Kỳ 1): Vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu
Với mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào xuất khẩu, Việt Nam cần vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng nhanh.
Theo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, giải pháp này góp phần duy trì tăng trưởng GDP bình quân theo đầu người của Việt Nam ở mức 6%/năm trong 2 thập kỷ tới, hiện thực hoá mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Nền tảng quan trọng
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: năm 2025 được xem là thời khắc quyết định, là nền tảng quan trọng thúc đẩy tăng trưởng giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình để vươn tới các mục tiêu cao hơn. Cơ sở cho nhận định trên chính là bối cảnh đặc biệt của năm 2025.

Đó là thời điểm Việt Nam bắt đầu cải cách sâu rộng về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy Nhà nước cùng hàng loạt những quy định pháp luật sửa đổi về kinh tế đầu tư theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn có hiệu lực thực thi.
Với các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, điển hình là đầu tư công, năm 2025 có nguồn vốn rất lớn - hơn 790.000 tỷ đồng dự kiến được đưa vào nền kinh tế. Nhiều chương trình, dự án lớn khác như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, điện hạt nhân, phát triển chíp bán dẫn đã và đang được khởi động mạnh mẽ.
Sau năm 2024 tăng trưởng ấn tượng, xuất khẩu cũng được kỳ vọng bứt phá hơn nữa, tiếp tục một trong những trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, là đầu ra quan trọng của nhiều ngành công nghiệp.
Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam mới đây cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của động lực tăng trưởng này. Trong 2 thập kỷ qua, cùng với dòng vốn FDI lớn, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục, bình quân 12,7%/năm. Hội nhập sâu vào các chuỗi giá trị toàn cầu, giỏ hàng xuất khẩu dịch dần chuyển từ nông sản và thương phẩm thô sang các mặt hàng xuất khẩu công nghệ cao.
Đề cập đến mục tiêu của Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, thu nhập hiện nay của Việt Nam cần tăng gấp 3, nghĩa là phải duy trì tăng trưởng GDP bình quân theo đầu người ở mức khoảng 6% /năm trong 2 thập kỷ tới.
Mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, tuy là động lực cho thành công nhưng vẫn chủ yếu dựa vào gia công khâu cuối thâm dụng lao động, đem lại giá trị gia tăng tương đối thấp. Điều này không đủ để đem lại tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cần thiết, đưa quốc gia lên nhóm thu nhập cao.
Dẫn kinh nghiệm từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và hiện nay là Trung Quốc, WB nhận định, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị, chuyển dịch sang các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại giá trị gia tăng cao hơn bằng cách cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.
Cơ hội đan xen thách thức
Tuy nhiên, khác với các quốc gia đi trước, theo WB, Việt Nam thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu ở thời điểm các vấn đề kinh tế, địa chính trị, công nghệ đang nhanh chóng định hình lại dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu. Quá trình này vừa đem lại cơ hội mới vừa có những rủi ro mới phát sinh.

Xét về cầu, châu Á đang nổi lên trở thành thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Việt Nam - vốn đã tham gia sâu vào các mạng lưới cung ứng phức tạp Mỹ, Trung Quốc và Đông Á, đương nhiên nằm ở tâm điểm của những diễn biến đó.
Bên cạnh đó, công nghệ đột phá tạo cơ hội bắt nhịp nhanh nhưng cũng đe dọa đến thị trường lao động, nhất là ở các ngành dịch vụ và chế tạo chế biến thâm dụng lao động truyền thống. Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu sắc đến thương mại toàn cầu trong khi các nỗ lực giảm thải carbon đang làm dịch chuyển xu hướng cầu và lợi thế so sánh, tạo ra cơ hội cho những nền kinh tế đi nhanh nhưng lại là rủi ro nếu chậm.
Đối với nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam đang có những hạn chế phát sinh như mô hình chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ; tăng trưởng xuất khẩu dựa vào số lượng chứ chưa phải chất lượng; quy mô và mức độ chuyên môn hóa trong lắp ráp khâu cuối chưa đủ để đem lại tăng trưởng năng suất lao động và giá trị gia tăng qua thương mại như các nền kinh tế thu nhập cao.
Cùng với đó, xuất khẩu chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp FDI trong khi doanh nghiệp trong nước tham gia hạn chế; kết nối yếu đã hạn chế tác động lan tỏa về công nghệ và năng suất, làm cản trở khả năng 'bắt kịp' của các doanh nghiệp trong nước đi sau với các doanh nghiệp hàng đầu. Hạn chế về nguồn cung lao động có kỹ năng là một trở ngại lớn trong việc nâng cấp sang các hoạt động có hàm lượng kỹ năng nhiều hơn, đem lại giá trị gia tăng cao hơn.
Kỳ 2: Thúc đẩy cải cách chính sách