Du lịch liên vùng - hướng đi chiến lược phát triển du lịch Hải Dương
Hải Dương tự hào với những di sản văn hóa độc đáo và làng nghề truyền thống, nhưng vẫn đang trên con đường khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Minh Xô, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Hải Dương, Phó Chủ tịch thường trực cụm HHDL đồng bằng Sông Hồng, để khám phá những kỳ vọng và thách thức đặt ra cho du lịch Hải Dương năm 2025.
- Hải Dương là một tỉnh giàu tiềm năng du lịch nhưng chưa thực sự nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Theo ông, đâu là những thách thức lớn nhất đối với ngành du lịch của tỉnh, thưa ông?
Đúng vậy, Hải Dương sở hữu nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên phong phú. Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với một số thách thức chính từ cơ sở hạ tầng du lịch cho đến nguồn nhân lực trong ngành.
Về cơ sở hạ tầng du lịch, mặc dù đã có những cải thiện, nhưng hệ thống giao thông, lưu trú và dịch vụ hỗ trợ du lịch vẫn cần được nâng cấp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Bên cạnh đó, chúng tôi thiếu những chiến lược quảng bá hiệu quả. Việc quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch của tỉnh chưa thực sự mạnh mẽ, dẫn đến việc chưa thu hút được lượng khách du lịch như mong muốn. Ngoài ra, đội ngũ lao động trong ngành du lịch còn thiếu về số lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng dịch vụ.
- Năm 2025 đang được kỳ vọng là một năm phục hồi và phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. Theo ông, những yếu tố nào sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đạt được mục tiêu này? Ông có thể chia sẻ về tầm nhìn chiến lược của Hiệp hội Du lịch Hải Dương trong năm 2025?
Theo tôi, để đạt được mục tiêu phát triển du lịch trong năm 2025, chúng ta cần tập trung vào các yếu tố như đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp và mở rộng hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ du lịch để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách.
Đồng thời phải áp dụng một cách quyết liệt việc chuyển đổi số trong du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, quản lý và nâng cao trải nghiệm du lịch, giúp du khách dễ dàng tiếp cận thông tin và dịch vụ. Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải tập chung vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành du lịch, tổ chức các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đội ngũ lao động trong ngành du lịch để cải thiện chất lượng dịch vụ.
Đó là với du lịch Việt Nam nói chung, còn với du lịch Hải Dương thì tầm nhìn của chúng tôi là phát triển Hải Dương trở thành điểm đến du lịch chất lượng cao, hấp dẫn và bền vững. Cụ thể, chúng tôi đặt ra các mục tiêu bao gồm việc tăng trưởng lượng khách du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng.
Hải Dương sẽ phấn đấu đón 17 triệu lượt khách vào năm 2050, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định. Đồng thời, tập trung vào các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, làng nghề và ẩm thực để tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du khách. Tuy nhiên, đi cùng với đó sẽ là sự kết hợp giữa bảo tồn di sản và phát triển du lịch, đảm bảo sự bền vững và giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương.
Về cơ bản, chúng tôi xác định các loại hình du lịch sau sẽ tạo nên sự khác biệt cho Hải Dương: Du lịch văn hóa - lịch sử: Với nhiều di tích lịch sử và lễ hội truyền thống, chúng tôi sẽ phát triển các tour du lịch khám phá văn hóa đặc sắc của địa phương.
Du lịch làng nghề truyền thống: Kết nối du khách với các làng nghề như gốm Chu Đậu, bánh đậu xanh, giúp họ trải nghiệm và hiểu sâu hơn về nghề truyền thống.
Du lịch sinh thái: Phát triển các khu du lịch sinh thái tại các vùng nông thôn, kết hợp với trải nghiệm nông nghiệp và ẩm thực địa phương.
- Ông có thể chia sẻ về kế hoạch phát triển các tour du lịch kết hợp giữa văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên tại Hải Dương? Hiệp hội Du lịch Hải Dương đang hợp tác với các tỉnh/thành khác và quốc tế như thế nào để mở rộng thị trường và thu hút khách du lịch?
Trên thực tế, Hải Dương có tiềm năng lớn để phát triển các tour du lịch kết hợp văn hóa, ẩm thực và thiên nhiên. Chúng tôi đang xây dựng các kế hoạch cụ thể để khai thác tối đa những lợi thế này.
Kết hợp văn hóa và ẩm thực: Chúng tôi đang thiết kế các tour tham quan di tích lịch sử như Côn Sơn – Kiếp Bạc, đền thờ Nguyễn Trãi, và các làng nghề truyền thống như gốm Chu Đậu. Kèm theo đó, du khách sẽ được thưởng thức các món đặc sản như bánh đậu xanh, vải thiều Thanh Hà, rượu Phú Lộc. Những trải nghiệm này không chỉ làm phong phú thêm chuyến đi mà còn giúp quảng bá giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương.
Phát triển du lịch sinh thái: Chúng tôi tập trung vào các khu vực như đảo Cò Chi Lăng Nam và vùng sinh thái đồi núi phía Tây của tỉnh. Các tour du lịch này sẽ mang lại cho du khách cơ hội hòa mình vào thiên nhiên và tìm hiểu về môi trường sinh thái đặc trưng của Hải Dương.
Về hợp tác, Hiệp hội Du lịch Hải Dương đang tích cực phối hợp với các tỉnh thành lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng để tạo ra các sản phẩm du lịch liên vùng. Đồng thời, chúng tôi cũng mở rộng quan hệ với các đối tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm, quảng bá hình ảnh Hải Dương ra thế giới, và thu hút các đoàn khách quốc tế thông qua các sự kiện như hội chợ du lịch và chương trình xúc tiến du lịch tại nước ngoài.
- Ông nghĩ gì về việc tạo ra các tuyến du lịch liên vùng, ví dụ kết nối Hải Dương với Hà Nội, Quảng Ninh, và Hải Phòng? Làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực du lịch tại Hải Dương, đặc biệt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và khu nghỉ dưỡng cao cấp?
Việc tạo ra các tuyến du lịch liên vùng là hướng đi chiến lược để phát triển du lịch Hải Dương. Với vị trí nằm giữa Hà Nội, Quảng Ninh và Hải Phòng, Hải Dương có lợi thế lớn để trở thành điểm dừng chân quan trọng trong các hành trình du lịch liên tỉnh.
Chúng tôi đang xây dựng các tuyến du lịch như “hành trình di sản”, hay là “du lịch sinh thái”. Về khái niệm thì có vẻ khá quen thuộc nhưng về cách thực hiện thì có thể được coi là mới mẻ. Với “hành trình di sản”, nó sẽ là sự kết nối các điểm di tích lịch sử và văn hóa tại Hải Dương với các điểm nổi bật tại Hà Nội (Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám) và Quảng Ninh (Vịnh Hạ Long, Yên Tử). Trong khi đó, “du lịch sinh thái” sẽ là sự liên kết các khu sinh thái của Hải Dương với các khu du lịch tự nhiên tại Hải Phòng và Quảng Ninh.
Và để thu hút các nhà đầu tư lớn, chúng tôi tập trung vào các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch trong chính sách và hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư trong việc tiếp cận đất đai, vốn và nhân lực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhắm đến việc quảng bá tiềm năng đầu tư, tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát và tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Hải Dương.
Một trong những yếu tố thu hút các nhà đầu tư lớn đến với du lịch Hải Dương đó là vấn đề ưu đãi đầu tư. Tỉnh cũng đã ban hành các chính sách ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ chi phí hạ tầng cho các dự án xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp, khách sạn, và trung tâm giải trí. Cùng với đó là khuyến khích các dự án hợp tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các khu du lịch chất lượng cao. Với chiến lược này, chúng tôi kỳ vọng Hải Dương sẽ không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là nơi đáng đầu tư trong lĩnh vực du lịch.
Trân trọng cảm ơn ông!