Startup công nghệ sinh học đối mặt nhiều thách thức
Vốn tài trợ cho các startup công nghệ sinh học đã tăng trong năm 2024, nhưng các startup này vẫn còn nhiều thách thức.
Vốn mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ sinh học ở các quốc gia đi đầu đang dần hồi phục sau thời gian suy giảm, và các nhà đầu tư đang bày tỏ sự lạc quan về năm 2025, dù không thiếu những bất định đang đè nặng lên ngành công nghiệp này.
Tài trợ vốn mạo hiểm cho công nghệ sinh học ở Mỹ và châu Âu đã tăng lên 28,1 tỷ USD vào năm 2024 từ mức 21,2 tỷ USD trong năm trước đó, theo HSBC Innovation Banking – tổ chức làm việc với các startup và nhà đầu tư mạo hiểm.
Số lượng IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu) trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã tăng từ 11 vào năm 2023 lên 18 vào năm ngoái. Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) của các công ty công nghệ sinh học tư nhân được hỗ trợ vốn mạo hiểm, với ít nhất 75 triệu USD được trả trước, đã tăng từ 6 vào năm 2023 lên 17 vào năm ngoái – con số cao nhất kể từ 20 thương vụ vào năm 2020, theo HSBC.
Triển vọng M&A tích cực
"Triển vọng cho M&A trong lĩnh vực công nghệ sinh học khá khả quan vì các nhà sản xuất thuốc cần lấp đầy khoảng trống do các loại thuốc hết hạn bản quyền, ảnh hưởng từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã giảm bớt, và lạm phát đang được kiểm soát tốt hơn", ông Roel van den Akker – lãnh đạo mảng giao dịch dược phẩm và khoa học đời sống tại PwC Mỹ – nhận định.
“Nếu có một môi trường ổn định và dự đoán được, rất có khả năng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều giao dịch được thúc đẩy hơn trong năm 2025 so với hai năm qua,” ông nói.
Tuần trước, Johnson & Johnson đã đồng ý mua lại Intra-Cellular Therapies với giá 14,6 tỷ USD, trong khi GSK cho biết họ sẽ trả tối đa 1,15 tỷ USD để mua lại IDRx – một công ty được hỗ trợ vốn mạo hiểm.
“Chúng ta đã nói về sự lạc quan cẩn trọng trong hai năm qua,” ông Arda Ural – lãnh đạo ngành khoa học đời sống tại EY Americas – chia sẻ và nhấn mạnh rằng giờ đây, chúng ta có thể bỏ từ "cẩn trọng".
Nhưng còn nhiều thách thức
Sự phục hồi không đồng đều, và những cơn gió ngược mới có thể làm chậm lại tiến trình này. Hầu hết các công ty công nghệ sinh học đã ra mắt công chúng năm ngoái đều có giá cổ phiếu giảm sau IPO, và cổ phiếu ngành này hầu như không tăng trong năm qua – hai yếu tố làm triển vọng IPO năm 2025 trở nên không chắc chắn. Ngoài ra, các chính sách thuế mới có thể làm tăng lạm phát, khiến một số nhà quan sát phải thận trọng hơn.
“Tôi nghĩ triển vọng rất tốt, nhưng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế vĩ mô có thể ảnh hưởng đến đầu tư công nghệ sinh học thông qua lạm phát,” ông Robert Williamson – Chủ tịch kiêm CEO tạm thời của công ty Triumvira Immunologics – nhận xét.
Những bất định đã khiến các nhà đầu tư đặt cược vào các lựa chọn an toàn hơn, đổ nhiều tiền hơn vào ít công ty hơn. Số lượng giao dịch tài trợ vốn mạo hiểm giảm từ 573 vào năm 2023 xuống 569 năm ngoái, trong khi các vòng gọi vốn từ 100 triệu USD trở lên – gọi là mega-round – tăng 70% từ năm 2023 lên 106 giao dịch vào năm 2024, theo HSBC.
Mega-round giúp giảm rủi ro các startup thiếu vốn và cho phép ban lãnh đạo tập trung vào hoạt động kinh doanh thay vì huy động vốn. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến việc nhiều danh mục đầu tư mạo hiểm trở nên tương tự nhau, làm phức tạp hóa nỗ lực gây quỹ mới.
"Dù gặp khó khăn ngắn hạn, triển vọng dài hạn của công nghệ sinh học vẫn sáng sủa nhờ vào sự gia tăng đổi mới. Ví dụ, sau nhiều năm đầu tư và nghiên cứu, các nhà sản xuất thuốc đã phát triển các loại thuốc mới cho các bệnh như tâm thần phân liệt", ông Jonathan Behr – đối tác tại Dementia Discovery Fund – chia sẻ.