Kinh tế địa phương

Thái Bình: Khắc phục điểm nghẽn DDCI

Thành Huệ 29/01/2025 13:36

Bộ chỉ số DDCI năm 2024 vừa được tỉnh Thái Bình công bố. Kết quả đánh giá là cơ sở để các ban, ngành, địa phương xác định rõ điểm mạnh, cũng như hạn chế để khắc phục.

“Cuộc đua” được cải thiện

Theo thứ hạng DDCI của hai khối sở, ngành và địa phương năm 2024 có sự thay đổi lớn, nhiều đơn vị đã bứt phá thăng hạng so với năm 2023. Đây là nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng điều hành kinh tế được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Ở khối địa phương, nếu như năm 2023 UBND huyện Đông Hưng ở cuối bảng xếp hạng với điểm số thấp thì năm 2024 đã vươn lên thứ hai.

4(2).jpg
Thực hiện chỉ số DDCI: Thái Bình Khắc phục điểm nghẽn, tăng tốc cải thiện môi trường đầu tư (Ảnh minh họa)

Ở khối sở, ngành, DDCI năm 2024 ghi nhận nhiều đơn vị vươn lên mạnh mẽ trên bảng xếp hạng. Một trong số đó là Chi cục Hải quan Thái Bình, tăng 12 bậc (từ vị trí 18/21 năm 2023 vươn lên vị trí 6/21 năm 2024), dẫn đầu nhóm các sở, ngành có điểm số năng lực cạnh tranh khá.

Ông Trần Quốc Chính - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Thái Bình cho biết: Với quyết tâm hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp phát triển, thời gian qua, Chi cục Hải quan Thái Bình có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan, giúp các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng thông hiểu pháp luật, chính sách đầu tư, nắm bắt đúng và thực hiện đúng.

Chi cục Hải quan Thái Bình phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thành lập các tổ công tác làm việc trực tiếp, giải đáp, đối thoại với các nhà đầu tư. Doanh nghiệp FDI có vướng mắc được cán bộ hải quan đến trực tiếp giải thích, tháo gỡ.

Lĩnh vực chuyển đổi số, xây dựng hải quan thông minh được đẩy mạnh với 98 - 99% thủ tục giao dịch trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp nên đã giải quyết nhanh chóng hoạt động thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, đồng thời ngăn ngừa phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Khi chỉ đạo triển khai đo lường Bộ chỉ số DDCI, tỉnh Thái Bình đặt ra mục tiêu lớn là thúc đẩy cải thiện chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, tạo động lực cải cách liên tục và đồng bộ giữa các cấp, các ngành nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư, giúp người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Nhìn tổng thể DDCI năm 2024, điều dễ nhận thấy là chất lượng, phổ điểm của các đơn vị đều ở mức khá trở lên và không có sự chênh lệch quá lớn, phản ánh mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác quản trị, dịch vụ công của cơ quan quản lý nhà nước.

Đáng chú ý, những chỉ số thành phần có tính nhạy cảm như thực hiện thủ tục hành chính và cấp phép gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức đã cải thiện rõ rệt, phản ánh tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực đã được kiểm soát.

Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Bên cạnh chống tiêu cực có hiệu quả, DDCI năm 2024 cũng phản ánh hiệu lực thiết chế, hỗ trợ sản xuất, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của các sở, ngành, địa phương có sự cải thiện đáng mừng với “sắc xanh” bao phủ trên biểu đồ các chỉ số thành phần. Đây là tín hiệu đáng mừng về môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhìn thẳng vấn đề

Ông Nguyễn Ngọc Toàn - Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Đông Hưng cho biết: Xác định chỉ số DDCI là khâu đột phá có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, trên cơ sở kết quả của năm 2023, UBND huyện đã nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại, hạn chế.

1(2).jpg
Môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh ngày càng thông thoáng, thuận lợi giúp doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả (Ảnh minh họa)

Theo ông Toàn, để cải thiện chỉ số DDCI, địa phương đã quán triệt và ban hành chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh tạo, ra sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các phòng, ban, ngành, địa phương.

Theo đó, trong năm, Thường trực Huyện ủy nhiều lần tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên, phát động doanh nghiệp vượt khó, thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, huyện còn tăng cường quảng bá, giới thiệu thông tin về tiềm năng, thế mạnh, quy hoạch các cụm công nghiệp, các ngành nghề thu hút đầu tư và các cơ chế ưu đãi đầu tư đến mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.

Tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa Thường trực Huyện ủy với giám đốc các doanh nghiệp, HTX, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện, trên cơ sở đó nắm bắt, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp phải trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời kiến nghị các cơ quan cấp trên đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Với sự vào cuộc tích cực đó, chỉ số DDCI năm 2024 của Đông Hưng đã có sự bứt phá. Trong tổng số 9 chỉ số thành phần, huyện có 3 chỉ số xếp thứ 1/8 huyện, thành phố là thực hiện thủ tục hành chính và cấp phép gia nhập thị trường, tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; 2 chỉ số xếp thứ 2/8 huyện, thành phố là chi phí không chính thức, hiệu lực thiết chế và an ninh trật tự. 4 chỉ số còn lại là tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, tiếp cận đất đai đều xếp thứ 3/8 huyện, thành phố.

Khi phân tích sâu chất lượng DDCI năm 2024, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Vietnam) - đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát DDCI của tỉnh cho biết: Đánh giá chung về môi trường đầu tư, kinh doanh của Thái Bình, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đều đồng ý cho rằng môi trường được cải thiện hơn và chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan cũng được nâng cao.

Cụ thể, có 67,16% doanh nghiệp và 81% hộ kinh doanh đánh giá chất lượng quản lý về kinh tế của chính quyền địa phương hoặc sở, ngành có cải thiện. Có 72,07% doanh nghiệp, hợp tác xã và 81% hộ kinh doanh đồng ý với nhận định chính quyền địa phương, sở, ngành có quan tâm và đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực phát triển bền vững, bao trùm trong các hoạt động quản lý và điều hành kinh tế.

Những phản hồi tích cực đó là minh chứng cho cam kết của tỉnh trong việc thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh, thông thoáng, minh bạch, kiến tạo không gian đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thành Huệ