Doanh nghiệp

Phát triển giá trị đa dụng, mở ra "kho báu" hệ sinh thái rừng

Thy Hằng 02/02/2025 05:00

Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng hứa hẹn mở ra "kho báu" từ rừng, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà là tư duy vun đắp từng giá trị rừng cho thế hệ mai sau.

Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng như loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng từ rừng, lâm sản ngoài gỗ, dược liệu quý dưới tán rừng… Đây là những xu thế đã và đang được Việt Nam cũng như các nước trên thế giới chú trọng.

mot_goc_khu_bao_ton_thien_nhien_hon_ba_nhin_tu_tren_cao_20241111111127.jpg
Phát triển giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng là những xu thế tất yếu.

Năm 2024, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt mức kỷ lục mới 17,29 tỷ USD. Tuy nhiên, chia sẻ với DĐDN, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan vẫn còn trăn trở, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ mới tập trung ở khu vực miền Trung và Đông Nam bộ trong khi tài nguyên rừng Việt Nam nằm ở vùng miền núi, trung du phía Bắc. Việc vận chuyển gỗ từ khu vực này vào miền Trung và miền Nam chi phí quá lớn. Vì vậy, việc phát huy được hết tiềm năng còn trong ngành lâm nghiệp thì vấn đề logistis là vấn đề cần quân tâm.

“Gỗ không chỉ là gỗ mà còn rất nhiều sản phẩm khác. Cần đưa ra thông điệp gỗ đại diện cho hình ảnh đất nước Việt Nam khai thác tài nguyên nhưng cùng với đó là bảo vệ tài nguyên, từ đó, đóng góp vào câu chuyện biến đổi khí hậu. Câu chuyện carbon và biến đổi khí hậu là không có biên giới. Việc phát triển và bảo vệ rừng cũng là cách thức của người Việt Nam đóng góp vào hành tinh này trong việc giảm phát thải khí nhà kính”, Bộ trưởng khẳng định.

Đặc biệt, Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nhiều kỳ vọng về phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, đưa rừng trở thành nguồn lực quan trọng đối với người dân trồng rừng. Với cách tiếp cận mới nhằm phát huy đa giá trị của rừng, vừa cung cấp, vừa đảm bảo chức năng kinh tế, xã hội và môi trường của đất nước.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, sứ mệnh mới của rừng Việt Nam bước sang giai đoạn mới là vừa phải đảm bảo kinh tế, xã hội, môi trường và sinh kế của người dân, đặc biệt là không gian sống của 20 triệu đồng bào vùng sâu vùng xa.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trên thực tế, rừng không chỉ là gỗ mà còn rất nhiều tài nguyên bản địa dưới tán rừng. Bản thân rừng có các giá trị đa ngành và liên ngành. Rừng không chỉ là cây, rừng còn gắn với những người dân đồng bào dân tộc sống bao nhiều đời nay sinh sống dưới tán rừng. Phát triển rừng không chỉ ở trồng rừng mà còn các sản phẩm dưới tán rừng, làm kinh tế dưới tán rừng. Cùng với các văn hóa của bà con dân tộc, sẽ tạo lên sức sống của rừng.

Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định, việc hỗ trợ cho bà con vùng đồng bào dân tộc không chỉ là tiền, là lương thực mà cần gợi mở để họ phát huy được giá trị đa dụng của hệ sinh thái dưới tán rừng. Cần gắn cộng đồng dân tộc vào với rừng, nó sẽ hòa quện với nhau thành 1 thể thống nhất chứ không khu biệt ra rằng rừng chỉ dành cho các doanh nghiệp để họ khai thác gỗ và làm thủy điện.

001-aaatrongrung.jpg
Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt mang tới nhiều kỳ vọng.

Do đó, để tiếp tục hỗ trợ đa dụng hệ sinh thái rừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, song hành với việc trình ban hành Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng, Bộ cũng sẽ sửa đổi những Nghị định liên quan đến Luật Lâm nghiệp.

“Bởi có những thời điểm, do chúng ta khai thác quá mức nên đã có chính sách đóng cửa rừng. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta phải mở cửa rừng. Để mở cửa rừng thì chúng ta phải thay đổi các Nghị định liên quan để người dân có thể vào rừng và khai thác được các giá trị đa dụng dưới tán rừng nhưng không làm mất đi hệ sinh thái rừng, mất đi độ che phủ của rừng”, Bộ trưởng chia sẻ.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng trình Chính phủ về Nghị định Quy định nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng. Trên thực tế, một số địa phương như Tuyên Quang, Lào Cai cũng đã triển khai phát triển dược liệu dưới tán rừng, nhưng việc này mới mang tính chất tự phát. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, chúng ta cần hướng đến phát triển một nền kinh tế dược liệu.

Cần phải tổ chức lại cộng đồng này, trồng rừng kết hợp với trồng dược liệu dưới tán rừng. Cần hướng dẫn giống, quy trình canh tác, quy trình trồng để làm thế nào vừa không phá vỡ hệ lâm sinh của rừng mà còn bảo vệ và phát triển rừng. Không chỉ bán thô mà còn có thể chế biến. Bà con người đồng bào dân tộc có thể hợp tác với các công ty dược phẩm để phát triển được chuỗi giá trị các sản phẩm đa dụng dưới tán rừng.

Cùng với đó là chính sách phát triển du lịch dưới tán rừng. Khi làm du lịch, tất cả các tài nguyên bản địa sẽ trở thành sản phẩm để bà con có thể bán cho du khách. Khi đó, đời sống kinh tế rừng sẽ rộn ràng thay cho sự đìu hiu trước đó.

“Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng đây rõ ràng không phải là câu chuyện làm trong ngày một, ngày hai mà là câu chuyện của tất cả chúng ta. Tôi hoàn toàn có niềm tin bởi với sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc đồng hành, hỗ trợ, giúp cho bà con cùng xây dựng những chương trình, kế hoạch phát triển, để từng bước đưa chính sách vào cuộc sống”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Thy Hằng